Hướng dẫn giao dịch

Hướng dẫn giao dịch chứng khoán sàn UpCom

1. Loại chứng khoán được giao dịch

Là cổ phiếu, trái phiếu của công ty đại chúng được chấp thuận đăng ký giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội.

2. Thời gian giao dịch

Phiên Thời gian Phương thức giao dịch
SÁNG 09:00 – 11:30 Khớp lệnh liên tục và Thỏa thuận
THỜI GIAN NGHỈ (11:30 – 13:00)
CHIỀU 13:00 – 15:00 Khớp lệnh liên tục và Thỏa thuận

3. Nguyên tắc giao dịch

NĐT mở tài khoản giao dịch chứng khoán và đặt lệnh mua/bán chứng khoán tại VFS. Trong trường hợp NĐT đã có tài khoản giao dịch chứng khoán niêm yết tại VFS thì không cần mở thêm tài khoản giao dịch trên thị trường UPCoM.

–     Ký quỹ giao dịch: Khi đặt lệnh bán chứng khoán, nhà đầu tư phải có đủ số lượng chứng khoán đặt bán trong tài khoản giao dịch chứng khoán. Khi đặt lệnh mua chứng khoán, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ 100% số tiền dặt mua cộng với các khoản phí phát sinh.

–    NĐT đặt lệnh giao dịch chứng khoán, giá đặt mua/đặt bán của NĐT phải nằm trong phạm vi biên độ dao động giá của ngày giao dịch.

Phương thích giao dịch

Giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch tại SGDCKHN được thực hiện theo 2 phương thức: Phương thức khớp lệnh liên tục và Phương thức thỏa thuận.

a. Phương thức khớp lệnh liên tục

Là phương thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.

Ví dụ:

  • Khi nhà đầu tư đặt lệnh Mua ABI tại mức giá 42.000đ, lệnh này sẽ được so khớp theo thứ tự ưu tiên về giá (giá cao được mua trước) và ưu tiên về thời gian (nhập trước được mua trước) với các lệnh Bán đối ứng đã được nhập vào hệ thống trước đó hoặc được so khớp ngay với các lệnh Bán được nhập vào hệ thống với giá bằng hoặc thấp hơn 42.000đ.
  • Khi nhà đầu tư đặt lệnh Bán ABI tại mức giá 42.000đ, lệnh này sẽ được so khớp theo ưu tiên về giá (giá thấp được bán trước) và ưu tiên về thời gian (nhập trước được bán trước) với các lệnh Mua đối ứng đã được nhập vào hệ thống trước đó hoặc được so khớp ngay với các lệnh Mua được nhập vào hệ thống với giá bằng hoặc cao hơn 42.000đ.

b. Phương thức thoả thuận:

Là phương thức giao dịch trong đó các thành viên tự thoả thuận với nhau về các điều kiện giao dịch (giá, số lượng, phương thức thanh toán) và được Đại diện giao dịch của thành viên nhập thông tin vào hệ thống giao dịch để xác nhận giao dịch này.

Ví dụ: Khi nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện giao dịch thỏa thuận, nhà đầu tư có thể tự mình tìm đối tác hoặc nhờ VFS tìm đối tác để thực hiện giao dịch và thỏa thuận các điều kiện giao dịch (giá, số lượng, phương thức thanh toán). Sau khi đã đạt được thỏa thuận thì nhà đầu tư phải thông qua VFS để nhập lệnh vào hệ thống giao dịch và xác nhận giao dịch.

4. Đơn vị giao dịch/yết giá

a. Đơn vị giao dịch

  • Giao dịch khớp lệnh liên tục: lô chẵn là 100 cổ phiếu hoặc 100 trái phiếu.
  • Giao dịch thỏa thuận: không quy định đơn vị giao dịch.
  • Giao dịch có khối lượng từ 01 đến 99 cổ phiếu hoặc trái phiếu (lô lẻ) có thể thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục và thỏa thuận. Trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới đăng ký giao dịch hoặc ngày đầu tiên giao dịch trở lại của cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên liên tiếp, SGDCKHN không nhận lệnh giao dịch lô lẻ cho đến khi có giá tham chiếu được xác lập từ kết quả của phương thức khớp lệnh liên tụ

Ví dụ: Đối với giao dịch thỏa thuận, khách hàng có thể đặt lệnh giao dịch mua/bán chứng khoán số lượng 215 cổ phiếu.

b. Đơn vị yết giá

  • Cổ phiếu: 100 đồng
  • Trái phiếu: không quy định phiếu

Ví dụ: Khách hàng có thể đặt mua/bán chứng khoán số lượng 200 cổ phiếu giá 30.100đ. (đặt 30.150đ, 30.188đ là mức giá sai)

5. Mệnh giá;

  • Mệnh giá cổ phiếu: 10.000 đồng (mười nghìn đồng)/cổ phiếu
  • Mệnh giá trái phiếu: 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng)/trái phiếu

6. Giá tham chiếu/ biên độ dao động giá

  1. Giá tham chiếu
  • Giá tham chiếu của cổ phiếu là bình quân gia quyền của các giá thực hiện qua phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục của ngày có giao dịch gần nhất trước đó.
  • Đối với các cổ phiếu mới đăng ký giao dịch trong ngày giao dịch đầu tiên và cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên giao dịch liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là ±40% so với giá tham chiếu và SGDCK Hà Nội chỉ nhận lệnh mua và lệnh bán chứng khoán theo phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục; SGDCK Hà Nội không thực hiện nhận lệnh mua, lệnh bán chứng khoán theo phương thức giao dịch thỏa thuận cho đến khi có giá tham chiếu được xác lập từ kết quả của phương thức khớp lệnh liên tục.
  • Trường hợp giao dịch chứng khoán không được hưởng cổ tức và các quyền kèm theo, giá tham chiếu tại ngày không hưởng quyền được xác định theo nguyên tắc lấy giá bình quân của ngày giao dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị cổ tức được nhận hoặc giá trị của các quyền kèm theo, trừ trường hợp:
    • Doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi;
    • Doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu với giá phát hành cao hơn giá bình quân của ngày giao dịch liền trước ngày không hưởng quyền.
  • Trường hợp tách hoặc gộp cổ phiếu, giá tham chiếu tại ngày giao dịch trở lại được xác định theo nguyên tắc lấy giá bình quân của ngày giao dịch trước ngày tách, gộp điều chỉnh theo tỷ lệ tách, gộp cổ phiếu.
  • Trong một số trường hợp cần thiết, SGDCKHN có thể áp dụng phương pháp xác định giá tham chiếu khác sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Ví dụ:

MÃ CHỨNG KHOÁN KHỐI LƯỢNG KHỚP GIÁ KHỚP
ABI 500 40.000
ABI 1000 42.000
ABI 800 38.000
  • Giá tham chiếu của cổ phiếu ABI ngày 20/7/2013 là: 40.100đ

Ptc = = 40.100 (lấy tròn theo đơn vị trăm đồng)

  1. Biên độ giao động giá:
  • Biên độ giao động giá cổ phiếu là +/-15% (không áp dụng biên độ dao động giá đối với Trái phiếu). Biên độ dao động giá sẽ có thể thay đổi tùy theo tình hình thị trường trong từng thời điểm cụ thể và do UBCKNN phê duyệt.
  • Giới hạn giao động giá đối với cổ phiếu được xác định như sau:
    • Giá tối đa (giá trần) = Giá tham chiếu + (giá tham chiếu x 15%)
    • Giá tối thiểu (giá sàn) = Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu x 15%)

7. Nguyên tắc khớp lệnh

  • Ưu tiên về giá:
  • Lệnh mua có mức giá cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.
  • Lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước.
  • Ưu tiên về thời gian: Nếu có nhiều lệnh cùng mức giá thì lệnh nào được nhập vào hệ thống trước sẽ được thực hiện trước.
  • Trường hợp lệnh mua và lệnh bán cùng thỏa mãn nhau về giá thì mức giá thực hiện là mức giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước.

Ví dụ: Trong phiên giao dịch ngày 03/01/2013, ta có lệnh mua và lệnh bán của cổ phiếu ABI như sau:

Số hiệu lệnh(SHL) Lệnh Mua/Bán (M/B) Số lượng Giá
001 M 200 40.500
002 M 300 41.000
003 B 400 40.600
004 M 400 40.500
005 B 300 40.200

Kết quả khớp lệnh:

STT SHL Mua SHL Bán Số lượng khớp Giá khớp
01 002 003 300 41.000
02 001 005 200 40.500
03 004 005 100 40.500

Giá tham chiếu ngày của 4/1/2008 là:

Ptc = = 40.700

Diễn giải:

  • Khi lệnh có SHL 003 nhập vào hệ thống giao dịch thì lệnh có SHL 002 sẽ khớp với lệnh có SHL 003 với số lượng khớp là 300 cổ phiếu theo nguyên tắc ưu tiên về giá và giá khớp là giá nhập vào hệ thống trước, trong trường hợp này giá khớp là 41.000.
  • Khi lệnh có SHL 005 được nhập vào hệ thống thì lệnh có SHL 001 sẽ khớp với lệnh có SHL 005 tại mức giá 40.500, số lượng khớp là 200 cổ phiếu; tiếp theo lệnh có SHL 004 sẽ tiếp tục khớp với lệnh có SHL 005 tại mức giá 40.500, số lượng khớp là 100 cổ phiếu. Giải thích cho kết quả trên là do lệnh có SHL 001 được nhập vào hệ thống trước lệnh có SHL 004 nên được ưu tiên thực hiện trước ngay khi có lệnh đối ứng 005 được nhập vào hệ thống.

8. Loại lệnh giao dịch

  • Lệnh giao dịch theo phương thức khớp lệnh là lệnh giới hạn.
  • Lệnh giới hạn là lệnh mua hoặc bán được thực hiện theo mức giá chỉ định của nhà đầu tư. Lệnh giới hạn có hiệu lực cho đến khi bị hủy bỏ hoặc cho đến khi kết thúc phiên giao dịch.

Ví dụ:   Lệnh Mua ABI với số lượng 300 tại mức giá 41.000đ

Lệnh Bán ABI với số lượng 500 tại mức giá 40.500đ

9. Quy định về thanh toán

  • Đối với giao dịch cổ phiếu: thanh toán bù trừ đa phương chiều ngày T+2
  • Đối với giao dịch trái phiếu: thanh toán bù trừ đa phương ngày T+1

10. Quy định về hủy lệnh

i. Phương thức khớp lệnh liên tục

  • Việc sửa lệnh, hủy lệnh giao dịch chỉ có hiệu lực đối với lệnh gốc chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh gốc chưa được thực hiện.
  • Với lệnh sửa, nhà đầu tư chỉ được phép Sửa giá và Sửa khối lượng:
  1. a) Thứ tự ưu tiên của lệnh không đổi trong trường hợp sửa giảm khối lượng;
  2. b) Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống giao dịch đối với các trường hợp sửa tăng khối lượng và/hoặc sửa giá.

 

Ví dụ: Trong phiên giao dịch ngày 03/01/2013, nhà đầu tư đặt lệnh Mua ABI với số lượng 300 tại mức giá 40.500. Khi có nhu cầu hủy lệnh, nhà đầu tư liên hệ với phòng Môi giới của VFS để biết kết quả khớp lệnh, tùy trường hợp mà được phép hoặc không được phép hủy lệnh:

  • TH1: Nếu lệnh hoàn toàn chưa khớp (300 cổ phiếu ABI đang ở trạng thái chờ khớp), thì được phép hủy toàn bộ lệnh này .
  • TH2: Nếu lệnh đã khớp hết (300 cổ phiếu ABI đã khớp toàn bộ), không được phép thực hiện hủy lệnh này.
  • TH3: Nếu lệnh mới khớp được một phần với số lượng 100 cổ phiếu ABI (còn dư 200 cổ phiếu ABI đang ở trạng thái chờ khớp) thì chỉ được phép hủy phần còn lại của lệnh này tức là chỉ được phép hủy lệnh với số lượng 200 cổ phiếu ABI.

ii. Phương thức thỏa thuận

  • Không được phép hủy lệnh

11. Quy định về giao dịch trong ngày giao dịch

  • Nhà đầu tư được đặt đồng thời lệnh mua và bán với cùng một loại chứng khoán trong từng lần khớp lệnh trên một tài khoản.

12. Quy định khác

a. Mở tài khoản

  • Mỗi nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tại VFS, trừ các trường hợp sau được mở nhiều hơn 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tại VFS:
    • Công ty quản lý quỹ
    • Công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài
    • Nhà đầu tư nước ngoài là công ty chứng khoán nước ngoài thành lập theo pháp luật nước ngoài.
  • Khi mở tài khoản giao dịch, Nhà đầu tư phải thông báo cho công ty chứng khoán toàn bộ số lượng tài khoản và mã tài khoản đã mở trước đó ở các công ty chứng khoán khác (nếu có)

b. Ủy quyền giao dịch chứng khoán

  • Nhà đầu tư có thể ủy quyền bằng văn bản (không cần công chứng) cho tổ chức là CTCK và/hoặc ngân hàng lưu ký thực hiện giao dịch thay cho mình.
  • Việc ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện giao dịch thay cho mình yêu cầu phải bằng văn bản có xác nhận của địa phương hoặc công chứng, trong đó qui định rõ phạm vi ủy quyền và người được ủy quyền không được thực hiện các giao dịch với chính họ hoặc với người thứ ba mà họ cũng được ủy quyền.
  • Nhân viên công ty chứng khoán không được phép nhận ủy quyền của nhà đầu tư.