Những thách thức chờ Bộ trưởng Bộ GTVT: Sức ép tiến độ ở dự án cao tốc

calendar28/10/2022
Tin trong nước

Kinh tế vĩ mô – Đầu tư



<br />



Ghế bộ trưởng GTVT chưa bao giờ hết “nóng”. Người kế nhiệm ông Nguyễn Văn Thể sẽ phải tiếp nối triển khai hàng loạt dự án giao thông lớn, những vấn đề tồn đọng nhiều năm chậm được giải quyết từ dự án sân bay Long Thành, cải tổ ngành đường sắt cho đến lo chạy đạt tiến độ cao tốc Bắc – Nam…


Ba năm qua, tăng trưởng kinh tế đất nước luôn trông chờ phần lớn vào các dự án đầu tư công. Giải ngân vào các dự án giao thông trọng điểm luôn được người đứng đầu Chính phủ xác định là tâm điểm, trong khi đó giải ngân chậm, vướng cơ chế, vướng giải phóng mặt bằng…

Tăng tốc giải ngân

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây phải hoàn thành và thông xe kỹ thuật trong năm nay

 

Ngày 10/9 vừa qua, Bộ GTVT và các nhà thầu thi công ký giao ước thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020, gồm: Mai Sơn – QL45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây. Nếu theo giao ước này, tới ngày 10/1/2023 các dự án trên phải hoàn thành trong năm nay. Trên công trường, các dự án những ngày này, việc còn khá nhiều, nhưng các nhà thầu phải vừa làm vừa canh thời tiết. Trước đó, khi thời tiết tốt, nhà thầu lại không có mặt bằng, hoặc không đủ vật liệu để thi công. Các đoạn cao tốc trên hầu hết đi qua khu vực miền Trung, vẫn trong mùa mưa. Chỉ tính từ ngày giao ước thi đua trên được ký kết tới nay, miền Trung đã liên tiếp đón 3 cơn bão. Sau khi vượt qua những thách thức thiếu mặt bằng, vật liệu, giá cả leo thang, giờ đây vào giai đoạn cuối các nhà thầu lại đối mặt trời mưa liên tục.

Bộ GTVT cho biết, tính tới đầu tháng 9, các dự án thành phần làm các đoạn cao tốc trên mới thi công đạt gần 67% khối lượng, còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Các dự án thi công những đoạn cao tốc còn chậm là: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây. Để thúc đẩy hoàn thành tiến độ dự án thi công các đoạn cao tốc này và đảm bảo thông xe vào cuối năm nay, sức ép tiến độ với tân bộ trưởng Bộ GTVT không hề nhỏ. Tư lệnh ngành không chỉ quyết liệt, quyết tâm mà làm được.

Với 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2), Quốc hội, Chính phủ giao phải khởi công gói thầu đầu tiên trong năm nay. Hiện tại, các dự án thành phần này đã được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng vốn đầu tư gần 147.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Báo khả thi dự án đã hoàn thành, song khối lượng phần việc còn lại rất lớn, trong đó việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, giải phóng mặt bằng luôn tốn nhiều thời gian.

Những công việc chuẩn bị nói trên để khởi công được, các dự án cao tốc trước đây, Bộ GTVT phải mất 2-3 năm, nay yêu cầu chỉ làm trong 1 năm. Riêng bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, để xong được trong 6 tháng, có thời điểm nhân sự chuyên môn Bộ GTVT phải làm thêm cả ban đêm. Bộ GTVT đặt mục tiêu, sẽ hoàn thành toàn bộ phần việc còn lại xong trước ngày 24/12 tới, để những ngày cuối năm sẽ khởi công xây dựng cả 12 dự án theo đúng mục tiêu được giao. Hiện còn 2 tháng để Bộ GTVT hoàn thiện việc này, nhưng tới nay có tới 7/12 địa phương chưa phê duyệt phương án bồi thường để thu hồi đất phục vụ thi công. Trong khi giải phóng mặt bằng lâu nay là nguyên nhân cố hữu làm chậm tiến độ hầu hết các dự án giao thông trọng điểm.

Phải giải ngân nhanh, mạnh, chất lượng

Để đạt mục tiêu cuối năm nay 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 khởi công gói thầu đầu tiên và thông xe vào đầu năm 2026, Bộ GTVT chỉ có 3 năm để thực hiện. Với đầu tư các dự án, khối lượng công việc đặt lên vai Bộ GTVT và tân bộ trưởng là rất lớn. Từ nay tới năm 2025, bình quân mỗi năm bộ này được bố trí khoảng 50 nghìn tỷ đồng đầu tư công (chưa kể các dự án thuộc nguồn vốn khác trong lĩnh vực GTVT) và phải giải ngân nhanh. Tốc độ giải ngân này luôn mâu thuẫn với các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công.

Một ngày sau tiếp nhận ghế bộ trưởng GTVT (ngày 24/10), tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì họp giao ban tháng 10/2022 của bộ để chỉ đạo triển khai ngay công việc. Ông Thắng thẳng thắn nhìn nhận, khối lượng công việc còn lại của bộ rất lớn. Chỉ tính giải ngân, 2 tháng còn lại bộ phải giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng là hoàn toàn không đơn giản.

Với các dự án đang triển khai, ông Thắng yêu cầu các đơn vị tập trung thi công 4 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 (giải đoạn 1) phải hoàn thành trong năm nay. Trong đó, đoạn Cam Lộ – La Sơn phải đưa vào khai thác, các đoạn còn lại phải thông xe kỹ thuật (gồm đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây). Các đơn vị liên quan của Bộ GTVT cũng được tân bộ trưởng yêu cầu: Hoàn thiện thủ tục, công việc còn lại để đạt mục tiêu khởi công 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2); hoàn thiện thủ tục để thi công các hạng mục chính của sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong năm nay.

Dư luận cũng đang trông chờ tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng sẽ đứng ra bảo vệ phương án xử lý dứt điểm các dự án BOT giao thông tồn tại những bất cập về vị trí đặt trạm thu phí thế nào khi mà trong đó có đề xuất sử dụng hơn 13.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước để mua lại 8 dự án BOT giao thông gặp vướng mắc nhiều nhất (Vấn đề này Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh đậm nét “Vì sao phải mua dự án giao thông chết yểu?”) . Phương án và việc xử lý các BOT bất cập này chưa có tiền lệ, nhưng sẽ là câu trả lời cho các nhà đầu tư trong thu hút vốn xã hội vào hạ tầng giao thông trong tương lai.

Thời gian ngắn sắp tới, người đứng đầu Bộ GTVT sẽ phải chỉ đạo giải quyết nhiều công việc dang dở . Điển hình, bộ này phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khi có nhiều địa phương đề xuất đưa vào các sân bay ở tỉnh mình.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong