Thông tin ngành cao su do nhóm EFAR (Đại học Hoa Sen) thực hiện.

20/11/2013
Tin tức VFS

VFS – 20/11/2013 08:52

Nhóm nghiên cứu khoa học EFAR của Đại học Hoa Sen , qua một thời gian nghiên cứu về lĩnh vực Cao su xin cung cấp 1 số thông tin tổng hợp lĩnh vực này. Nội dung nghiên cứu gồm 2 phần : Phần đầu giới thiệu các nghiên cứu về tình hình cung cầu, giá cả , thị trường ,…Phần 2 là phân tích định lượng với các dự báo về giá cao su trong tương lai . Đây là một trong những cơ sở để các nhà hoạch định , các nhà đầu tư có cơ sở tham khảo cho các quyết định.
  1. Diễn biến ngành cao su thế giới
  1. Tình hình cung cầu

1.1 Cầu

Nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục đã mang lại sự khởi sắc cho ngành cao su. Sự tăng trưởng về sản lượng của ngành công nghiệp ô tô,  xe máy tạo ra cơ hội tốt cho sự phát triển ngành công nghiệp cao su, trong đó sự tăng trưởng này được dự đoán là từ thị trường mới nổi như Trung Quốc. Đồng thời những thị trường phát triển như Nhật, Đông Âu và Mỹ với sức mạnh vượt trội trong công nghệ và kỹ nghệ đang được mong đợi có một sự tăng trưởng ổn định và vững chắc, tiếp tục dẫn đầu về khả năng tiêu thụ cao su.

Nguồn: International Rubber Study Group

Hình 1:Tình hình tiêu thụ cao su tự nhiên

Một báo cáo của The Freedonia Group cho rằng, sức tiêu thụ cao su toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 4.3%/năm và đến năm 2015 sẽ là 30.5 triệu tấn. Nguyên nhân của sự tăng trưởng là do nhu cầu của ngành lốp xe đang khởi sắc trở lại (ngành công nghiệp ô tô xe máy rơi vào giai đoạn phát triển khá yếu từ 2005-2010 và hiện đang tăng trưởng trở lại) ở các nước phát triển trên toàn thế giới. Lốp xe cao su đang chiếm khoảng 2/3 của nhu cầu cao su, được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong những năm tiếp theo

1.2 Cung

Xuất khẩu cao su tự nhiên trên thế giới được đẩy mạnh trong quý đầu tiên của năm 2013 được cho là do sự tăng của nhu cầu nhập khẩu để tích lũy hàng tồn kho.

Theo báo cáo của International Rubber Study Group, nhu cầu cho cao su tự nhiên sẽ tăng lên đến 12.4 triệu tấn trong năm 2015 và 14.2 triệu tấn trong năm 2020, trong khi đó sản lượng cao su tự nhiên chỉ đạt khoảng 13.6 triệu tấn/năm trong năm 2020.

Nguồn: International Rubber Study Group

Hình 2: Tình hình sản xuất cao su tự nhiên

 

  1. Tình hình giá cao su trên thị trường thế giới

Theo báo cáo của AgroMonitor, giá cao su thế giới hiện đang hồi phục sau đà lao dốc từ đầu năm 2013. Lý do của sự lao dốc này là vì nguồn cung từ khu vực Đông Nam Á theo dự báo sẽ tăng sau khi 3 nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất là Thái Lan, Malaysia và Indonesia không đồng ý hạn chế xuất khẩu trong một cuộc họp trước đó. Tuy nhiên giá đã điều chỉnh tăng từ đầu tháng 7 là vì những lý do sau:

  • Sự suy yếu của yên Nhật so với USD và doanh số bán xe ô tô tại Mỹ tăng cao.
  • Giá dầu tăng
  • Thời tiết mưa nhiều tại Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan làm gián đoạn quá trình khai thác mủ cao su đã ảnh hưởng ngắn hạn tới giá của cao su.

Hình 3 cho thấy diễn biến giá cao su kỳ hạn tháng gần nhất trên sàn giao dịch Tocom giai đoạn từ tháng 12/2012 đến đầu tháng 8/2013.

Hình 3: Diễn biến giá cao su kỳ hạn tháng gần nhất trên sàn giao dịch Tocom, yên/kg

Để tìm hiểu kỹ hơn về tình hình giá cả và thị trường cao su Việt Nam , chúng ta đi tim hiểu về đặc điểm ngành cao su và các sản phẩm

II. Đặc điểm ngành cao su và sản phẩm

1. Đặc điểm ngành cao su

Cây cao su có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam từ năm 1897 và được trồng chủ yếu ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và một số vùng Nam Trung Bộ. Do có vòng đời khoảng 30 năm nên cao su được xếp vào loại cây công nghiệp lâu năm. Cây được 5 năm tuổi thì có thể bắt đầu cho mủ và đạt năng suất cao nhất ở độ tuổi 14-21 năm. Mùa thu hoạch mủ là từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau.Ngoài mủ, gỗ cây cao su cũng là mặt hàng có giá trị cao.

2.  Đặc điểm sản phẩm

Hiện nay, mủ cao su sau khi khai thác được chế biến thành 3 dạng chính:

v Cao su dạng khối: được chế tạo từ mủ tạp đông, cứng, có tính kháng mòn và đàn hồi tốt, được sử dụng trong công nghiệp săm lốp.Hầu hết các loại sản phẩm này được sử dụng sản xuất lốp xe.

v Cao su xông khói: ít bị lão hoá và độ kéo dãn cao nên được sử dụng để sản xuất lốp ô tô, băng tải,…

v Mủ nước Latex: được sử dụng trong ngành sản xuất nệm mút, găng tay,…

70% các sản phẩm từ mủ cao su dùng để chế tạo lốp xe. Ngoài ra, mủ cao su còn được dùng để sản xuất các mặt hàng như găng tay, ủng, nệm, giày dép, đồ chơi,…

III. Diễn biến ngành cao su Việt Nam từ năm 2008 đến T8/2013

1. Tình hình khai thác, sản lượng cao su tự nhiên

1.1 Diện tích

Nhìn chung, diện tích rừng trồng cao su luôn đạt mức tăng trưởng ổn định vào khoảng 6.8%/năm trong suốt 12 năm kể từ năm 2000 đến 2012. Cụ thể, tổng diện tích rừng cao su đã tăng từ mức 413.000 ha năm 2000 lên 910.500 ha vào năm 2012 với diện tích rừng cho mủ đạt 528.4 nghìn ha – chiếm 55.55%.

Biểu đồ 1: Diện tích trồng và thu hoạch cao su tại Việt Nam giai đoạn 2000 – 2012

Nguồn: ANPRC

1.2 Sản lượng

Sản lượng cao su tự nhiên của Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2000 -2012.

Tính riêng năm 2012, Việt Nam chính thức đứng vị trí thứ 4 về sản lượng khai thác cao su tự nhiên, đạt mức 955.000 tấn.

Bên cạnh đó, năm 2012, Việt Nam cũng là một trong những nước dẫn đầu về năng suất bình quân đạt khoảng 1.17 tấn/ha, vượt xa mức trung bình của thế giới – 1.14 tấn/ha.

Biểu đồ 2: Sản lượng và năng suất cao su tự nhiên tại Việt Nam giai đoạn 2000 -2012

Nguồn: ANPRC

  1. Tình hình xuất nhập khẩu cao su và diễn biến giá cả

2.1 Lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính theo năm

Sản lượng cao su xuất khẩu Việt Nam tăng qua các năm, trong khi kim ngạch xuất khẩu Việt Nam có nhiều biến động.

Cụ thể năm 2009 – 2011 giá trị xuất khẩu của cao su tăng mạnh và đạt 3.229,3 triệu USD do tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu và giá cao su thế giới được giữ ở mức cao.

Năm 2012, xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ gia tăng về số lượng, nhưng do giá cao su thế giới vẫn tiếp tục đà giảm và kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, triển vọng nhu cầu tiêu dùng cao su chưa rõ nét… do đó, trị giá cao su đã giảm và được dự báo tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian sắp đến.

Biểu đồ 3 Tổng lượng và kim ngach xuất khẩu cao su của Việt Nam giai đoạn 2001 – 2012

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

2.2 Lượng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2013

Biểu đồ 4: Tổng lượng và giá xuất khẩu trung bình cao su của Việt Nam giai đoạn 2012 đến T8/2013

Nguồn: Tổng cục hải quan

Do sản lượng cao su Việt Nam khá cao vào những tháng cuối năm, nên tháng 1/2013, xuất khẩu cao su Việt Nam tăng 55% về lượng và giá trị ổn định so với cùng kỳ tháng 1/2012.

Tháng 2 đến tháng 4/2013 sản lượng xuất khẩu giảm mặc dù giá vẫn ở mức ổn định, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ cao su vẫn chưa có những chuyển biến tích cực và hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu chính của Việt Nam – như Trung Quốc, Ấn Độ – vẫn còn cao. Mặt khác, đây là khoảng thời gian cao su trong giai đoạn thay lá, cho năng suất thấp, nguồn cung hạn hẹp nên xuất khẩu cao su đã giảm rõ rệt trong giai đoạn này.

Các tháng 5 đến tháng 7, dù tăng về lượng, nhưng giá cao su liên tục giảm và mất trung bình 20.68% về giá trị so với giai đoạn này năm 2012. Nguyên nhân được giải thích do cao su bước vào giai đoạn thu hoạch mới, nguồn cung khá dồi dào nên cao su Việt Nam bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ về lượng, tuy nhiên giá cả cao su Việt Nam vẫn không nằm ngoài xu hướng giảm của cao su thế giới, giá cao su sàn Tocom và Sicom liên tục giàm trong suốt giai đoạn này.

Triển vọng ngành

  1. Thị trường trong nước,

Sản lượng cao su được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 4 do tính mùa vụ.

Khả năng phục hồi giá là khá chậm và đi theo xu hướng giá của cao su thế giới, tuy nhiên, giá cao su cũng khó có thể giảm sâu.

Mặt khác, nếu như tín hiệu hồi phục cùa thị trường nhập khẩu cũng như xu hướng giá tại thị trường thế giới tiếp tục đi theo chiều hướng không khả quan thì giá mủ cao su nội địa năm nay có thề sẽ thấp hơn mức trung bình năm 2012.

  1. Thị trường xuất khẩu

Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 5 về sản lượng và thứ 4 về xuất khẩu cao su trên thế giới, đã có mặt tại 80 thị trường trên toàn thế giới. Thị trường Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chủ lực của cao su Việt Nam. Với sự gia tăng nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong thời gian qua thì Ấn Độ có thể được xem là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Phần 2 là phân tích định lượng với các dự báo về giá cao su trong tương lai sẽ được cung cấp trong phần đăng tải tiếp theo

Tuyên bố miễn trách nhiệm

Các thông tin trong báo cáo này được cung cấp bởi EFAR dựa vào các nguồn thông tin mà EFAR coi là đáng tin cậy có sẵn và mang tính hợp pháp. Tuy nhiên,các thông tin tổng hợp của chúng tôi là các nghiên cứu mang tính chất chia sẻ và tham khảo, các quyết định cuối cùng thuộc về các nhà đầu tư hoặc chuyên gia hoạch định

Tài liệu tham khảo:

1. Malaysian Rubber Board (2013), Natural Rubber Statisic 2013, truy cập vào ngày 8 tháng 11 năm 2013 tại http://www.lgm.gov.my/nrstat/nrstats.pdf

2. Tạp chí cao su Việt Nam (2013), truy cập vào ngày 8 tháng 11 năm 2013 tại http://agromonitor.vn/Upload/File/chuyendecaosu.pdf

3. Tổng cục Hải Quan (2013), truy cập vào ngày 8 tháng 11 năm 2013 tại http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan

4. International Rubber Study Group (2013),  truy cập vào ngày 8 tháng 11 năm 2013 tại http://www.rubberstudy.com/statistics.aspx