Các màu trong chứng khoán như xanh lá, đỏ, tím, và xanh dương thể hiện các trạng thái khác nhau của giá cổ phiếu, từ tăng, giảm, đến mức giá trần và giá sàn. Việc hiểu rõ ý nghĩa của các màu này là bước đầu tiên giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định giao dịch chính xác và hiệu quả. Để biết đặc điểm và vai trò của các màu này, mời bạn cùng Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) theo dõi thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây!
1. Ý nghĩa các màu trong chứng khoán
Trên bảng giá chứng khoán cơ sở, bạn sẽ dễ bắt gặp các màu sau đây:
1.1. Màu tím trong chứng khoán
Màu tím chứng khoán là biểu tượng của mức giá trần (hay còn gọi là CE – mức giá chứng khoán cao nhất có thể đặt lệnh mua/bán trong ngày giao dịch) được hiển thị trên bảng giá chứng khoán. Các nhà đầu tư có thể dựa vào màu tím để nhanh chóng nhận diện mức giá trần, từ đó quyết định việc mua hoặc bán chứng khoán trong mỗi phiên giao dịch.
Màu tím trên bảng giá chứng khoán ở Việt Nam là cách các sàn giao dịch dùng để đánh dấu mức giá cao nhất (giá trần) mà một cổ phiếu có thể đạt được trong ngày. Giá cổ phiếu chỉ được phép thay đổi trong một khoảng giới hạn do sàn quy định. Mỗi sàn giao dịch sẽ đặt ra mức giá trần khác nhau, và màu tím sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng nhận biết mức giá tối đa này. Cụ thể:
- Tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giá chứng khoán màu tím có thể tăng tối đa 10% so với giá tham chiếu ban đầu.
- Tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), mức giá trần có thể tăng tối đa 7% so với giá tham chiếu ban đầu.
- Tại sàn giao dịch UPCOM, giá chứng khoán màu tím có thể tăng tối đa 15% so với giá tham chiếu.
Trong mỗi phiên giao dịch, mức giá trần của cổ phiếu cố định. Vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi thường xuyên để đưa ra quyết định mua hoặc bàn đúng thời điểm.
1.2. Màu đỏ trong chứng khoán
Màu đỏ chứng khoán chỉ ra rằng mức giá hoặc chỉ số chứng khoán đang giảm. Cổ phiếu có màu đỏ có giá thấp hơn giá tham chiếu nhưng vẫn cao hơn mức giá sàn (màu xanh lam). Khi cổ phiếu có màu đỏ, các bước giá và khối lượng chờ khớp ở các bước giá đi kèm cũng sẽ được hiển thị bằng màu đỏ.
1.3. Màu xanh dương trong chứng khoán
Màu xanh dương chứng khoán thể hiện mức giá hoặc chỉ số chứng khoán đã giảm xuống mức giá sàn, tức là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán trong phiên giao dịch đó.
- Tại sàn HOSE, mức giá sàn giảm tối đa 7% so với mức giá tham chiếu.
- Tại sàn HNX, mức giá sàn giảm tối đa 10% so với giá tham chiếu.
- Tại sàn UPCOM, mức giá sàn giảm tối đa 15% so với mức giá tham chiếu.
1.4. Màu trắng trong chứng khoán
Trên bảng giá chứng khoán, màu trắng đại diện cho những mã cổ phiếu chưa thực hiện giao dịch, tức là chưa có lệnh mua hoặc bán nào được khớp. Hiểu ý nghĩa của mã phiếu màu trắng sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc đọc bảng giá chứng khoán cơ sở và quyết định giao dịch chính xác.
1.5. Màu xanh lá trong chứng khoán
Màu xanh lá chứng khoán biểu thị giá hoặc chỉ số chứng khoán đang tăng, với giá cổ phiếu cao hơn mức tham chiếu (giá màu vàng) nhưng chưa chạm mức giá trần. Dựa vào các cổ phiếu có màu xanh, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận biết những mã cổ phiếu đang tăng giá, từ đó đưa ra quyết định mua hoặc bán hợp lý trong mỗi phiên giao dịch.
Các nhà đầu tư có thể theo dõi các mã cổ phiếu màu xanh lá tại cột “Mã CK” trên bảng giá chứng khoán. Vì giá cổ phiếu có thể thay đổi liên tục trong suốt phiên giao dịch, nhà đầu tư nên theo dõi thường xuyên để đưa ra quyết định mua hoặc bán vào thời điểm phù hợp nhất.
1.6. Màu vàng trong chứng khoán
Màu vàng trong chứng khoán biểu thị mức giá hoặc chỉ số chứng khoán không thay đổi so với giá tham chiếu.
Các biến động về giá, bao gồm tăng, giảm hoặc giữ nguyên, sẽ được so sánh với giá tham chiếu – mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó. Giá tham chiếu này còn là căn cứ để xác định mức giá trần và giá sàn trong chứng khoán. Thuật ngữ giá vàng thường được dùng để chỉ giá tham chiếu. Đặc biệt tại sàn UPCOM, giá tham chiếu được xác định dựa trên mức giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.
Màu sắc trên bảng giá trong suốt phiên giao dịch giúp nhà đầu tư nhanh chóng nhận diện được các chỉ số giá và hiểu rõ tình hình chung của thị trường. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định mua hoặc bán phù hợp và nắm bắt được diễn biến của thị trường trong ngày.
2. Tác động của màu trong chứng khoán đến nhà đầu tư
Màu sắc trong thị trường chứng khoán có thể có ảnh hưởng lớn đến tâm lý và quyết định của các nhà đầu tư:
- Nhà đầu tư mới: Nhà đầu tư mới thường chưa có nhiều kinh nghiệm và dễ bị tác động bởi màu sắc trên bảng giá chứng khoán. Khi chứng kiến giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư dễ bị hưng phấn và quyết định mua vào, hy vọng thu được lợi nhuận nhanh chóng. Ngược lại, khi cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư có xu hướng hoảng sợ và bán ra để tránh thua lỗ khi thị trường có dấu hiệu giảm.
- Nhà đầu tư có kinh nghiệm: Ngược lại, những nhà đầu tư có kinh nghiệm không dễ bị ảnh hưởng bởi màu sắc. Với trải nghiệm nhiều năm trên thị trường, nhà đầu tư coi màu sắc chỉ là yếu tố tạm thời và không phải là yếu tố quyết định trong việc phân tích thị trường. Nhà đầu tư có kinh nghiệm ít để cảm xúc chi phối, thay vào đó, họ sẽ đánh giá lại danh mục đầu tư của mình và kết hợp phân tích cơ bản và kỹ thuật để đưa ra những quyết định đầu tư chính xác hơn.
3. Giải đáp 3+ câu hỏi thường gặp khi tìm hiểu các màu trong chứng khoán
Cách đọc bảng giá chứng khoán cơ sở theo mã cổ phiếu?
Để theo dõi diễn biến của từng cổ phiếu, nhà đầu tư cần kiểm tra các chỉ số chi tiết của mã cổ phiếu đó được thể hiện trên bảng giá chứng khoán. Cách đọc bảng giá theo từng mã cổ phiếu bao gồm các thông tin sau:
- Mã CK (Symbol): Là mã giao dịch của công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Mỗi công ty sẽ có mã riêng. VD: Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt có mã CK là VFS.
- Trần/ Giá trần/ Giá tím (Ceiling price): Là mức giá cao nhất mà cổ phiếu có thể đạt được trong phiên giao dịch. Giá trần có màu tím trên bảng giá chứng khoán.
- Sàn/ Giá sàn/ Giá xanh dương (Floor): Là mức giá thấp nhất mà cổ phiếu có thể giảm trong phiên giao dịch. Giá sàn có màu xanh dương trên bảng giá chứng khoán.
- TC/ Giá tham chiếu/ Giá vàng (Ref): Đối với sàn HSX/HNX, giá tham chiếu là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước, được dùng làm giá cơ sở để tính toán các mức giá khác. Còn với sàn UPCOM, giá tham chiếu là trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn trong phiên giao dịch gần nhất. Giá tham chiếu có màu vàng trên bảng giá chứng khoán.
- Dư mua/ Bên mua (Bid): Là số lượng cổ phiếu mà bên mua đang sẵn sàng mua, cùng với giá và khối lượng tương ứng (Giá 1: Khối lượng 1; giá 2: Khối lượng 2). Nếu chưa có người bán, sẽ xuất hiện tình trạng dư mua.
- Dư bán: Là số lượng cổ phiếu mà bên bán đang chờ bán với mức giá mong muốn cao hơn giá hiện tại.
- Khớp lệnh (Matched): Là khi mức giá giữa bên mua và bán trùng khớp và giao dịch thành công. Khớp lệnh thể hiện mức giá bán thành công và khối lượng cổ phiếu đã giao dịch.
- “+/-”: Là mức giá chênh lệch giữa giá hiện tại và giá tham chiếu ban đầu, thể hiện sự tăng hoặc giảm giá.
- Cao: Là mức giá cao nhất đạt được trong phiên giao dịch.
- Thấp: là mức giá thấp nhất đạt được trong phiên giao dịch.
- TB: Là giá trung bình của các giao dịch trong phiên.
- KL: Là tổng khối lượng cổ phiếu đã được giao dịch trong phiên.
- NN mua: Là khối lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã mua.
- NN bán: Là khối lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã bán.
- Room: Là tỷ lệ cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ, tức là phần cổ phần mà các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu.
Cổ phiếu màu tím có nên mua?
Cổ phiếu màu tím trên bảng giá chứng khoán thể hiện mức giá trần, tức là mức giá cao nhất mà cổ phiếu có thể đạt được trong phiên giao dịch. Khi cổ phiếu đạt giá trần, điều này thường cho thấy nhu cầu mua vào cổ phiếu một cách mạnh mẽ và có thể là một dấu hiệu tích cực về tiềm năng của cổ phiếu.
Tuy nhiên, quyết định mua cổ phiếu màu tím không chỉ dựa vào mức giá trần. Các nhà đầu tư cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác như tình hình tài chính của công ty, các yếu tố vĩ mô và xu hướng thị trường.
Dù việc mua cổ phiếu màu tím có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn do giá đã tăng mạnh và có thể có sự điều chỉnh trong tương lai. Do đó, việc đầu tư vào cổ phiếu màu tím cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và phù hợp với chiến lược đầu tư của bạn.
Vì sao các màu trong bảng giá chứng khoán thay đổi?
Sự thay đổi màu sắc trên bảng giá chứng khoán chủ yếu chịu ảnh hưởng từ tâm lý của các nhà đầu tư và diễn biến chung của thị trường. Khi có thông tin bất lợi liên quan đến kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tâm lý các nhà đầu tư sẽ bị tác động mạnh mẽ, dẫn đến thay đổi trong quyết định đầu tư của họ.
Ví dụ, khi dịch bệnh Covid có những diễn biến xấu, nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ trở nên lo lắng, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ và bán tháo cổ phiếu. Điều này khiến cổ phiếu trên thị trường có xu hướng giảm giá. Khi đó, màu sắc trên bảng giá chứng khoán sẽ thay đổi từ màu xanh sang màu đỏ hoặc vàng để phản ánh sự suy giảm này.
Trên đây là ý nghĩa các màu trong chứng khoán và cách đọc bảng giá chứng khoán cơ sở. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc băn khoăn, bạn hãy liên hệ chứng khoán VFS qua Hotline (+84 28) 6255 6586 hoặc truy cập tại đây, đội ngũ chuyên gia sẵn sàng giải đáp chi tiết các vấn đề trong lĩnh vực chứng khoán!