Việc nắm bắt và sử dụng đúng các loại lệnh giao dịch chứng khoán là chìa khóa để giao dịch đạt hiệu quả và tối ưu hóa lợi nhuận. Bài viết này sẽ mang đến cái nhìn tổng quan và chi tiết về các loại lệnh giao dịch chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao, từ đó giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược giao dịch thông minh hơn.
Lệnh giao dịch chứng khoán là gì?
Lệnh giao dịch chứng khoán là các yêu cầu được nhà đầu tư gửi đến các sàn giao dịch chứng khoán để mua bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… với các điều kiện cụ thể về giá và khối lượng. Các lệnh này được xử lý trong hệ thống giao dịch và tuân theo quy định của sàn giao dịch chứng khoán. Mỗi loại lệnh có những đặc điểm khác nhau, nhà đầu tư có thể lựa chọn lệnh phù hợp với chiến lược giao dịch của mình để tối đa hoá lợi nhuận và hạn chế rủi ro trong đầu tư chứng khoán. 3 sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam
|
1. Các loại lệnh giao dịch chứng khoán phổ biến
Một số loại lệnh giao dịch chứng khoán thường được sử dụng gồm:
1.1. Lệnh giới hạn (LO – Limit Order)
Khái niệm: Lệnh giới hạn LO cho phép nhà đầu tư đặt mức giá cố định để mua hoặc bán chứng khoán.
Đặc điểm: Chỉ khớp lệnh khi giá thị trường đạt đến giá đặt của nhà đầu tư.
- Lệnh mua: Chỉ khớp khi giá bán bằng hoặc thấp hơn giá đặt.
- Lệnh bán: Chỉ khớp khi giá mua bằng hoặc cao hơn giá đặt.
Lệnh LO trong chứng khoán được phép nhập vào hệ thống giao dịch trong phiên khớp lệnh liên tục và phiên khớp lệnh định kỳ. Lệnh có hiệu lực cho đến khi phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa hoặc lệnh bị hủy bỏ.
Ưu điểm: Kiểm soát tốt hơn mức giá giao dịch.
Áp dụng tại: Sàn HSX, HNX, Upcom.
Ví dụ minh họa về lệnh LO:
Tình huống: Cổ phiếu A đang được giao dịch ở mức giá 20.000 đ/cổ phiếu. Nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu này nhưng chỉ chấp nhận mức giá tối đa là 19.000đ.
Cách thực hiện: Đặt lệnh LO mua cổ phiếu A với mức giá xác định là 19.000đ (Lệnh LO giúp nhà đầu tư kiểm soát giá giao dịch bằng cách đặt ra mức giá mua cao nhất).
- Khớp lệnh: Nếu có người bán cổ phiếu A với giá bằng hoặc thấp hơn 19.000đ, lệnh sẽ được khớp.
- Không khớp: Nếu giá cổ phiếu A vẫn duy trì ở mức 20.000đ hoặc cao hơn, lệnh sẽ không được thực hiện.
1.2. Lệnh thị trường
Lệnh thị trường MP chỉ áp dụng tại sàn HSX: Lệnh MP là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá tốt nhất hiện có trên thị trường (mua giá thấp nhất hoặc bán giá cao nhất).
Đặc điểm: Lệnh MP không đảm bảo nhà đầu tư mua (hoặc bán) được với một mức giá cụ thể, mà chỉ đảm bảo lệnh sẽ được khớp ngay lập tức tại các mức giá tốt nhất hiện có trên thị trường.
- Ưu điểm: Tối ưu hóa tốc độ giao dịch.
- Nhược điểm: Không kiểm soát được mức giá mua hoặc bán.
Ví dụ minh họa lệnh MP trên sàn HSX: Nhà đầu tư muốn mua 2.000 cổ phiếu A ngay lập tức. Tại thời điểm đặt lệnh, thị trường có các mức giá và khối lượng chào bán như sau:
- 60.000 đồng/cổ phiếu – 500 cổ phiếu.
- 60.700 đồng/cổ phiếu – 2.000 cổ phiếu.
- 60.900 đồng/cổ phiếu – 3.000 cổ phiếu.
Thực hiện: Đặt lệnh MP mua 2.000 cổ phiếu A.
- 500 cổ phiếu đầu tiên sẽ khớp lệnh với giá 60.000 đồng/cổ phiếu.
- 1500 cổ phiếu tiếp theo sẽ khớp lệnh với giá 60.700 đồng/cổ phiếu.
Kết quả: Đã khớp đủ 2.000 cổ phiếu A với mức giá tương ứng.
Các lệnh thị trường áp dụng tại sàn HNX: Lệnh mua chứng khoán giá thấp nhất hoặc bán giá cao nhất hiện có trên thị trường.
- Lệnh thị trường giới hạn (MTL): Khớp một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại chuyển thành lệnh LO. Tìm hiểu chi tiết hơn tại đây: Lệnh MTL là gì? 5+ điều NHẤT ĐỊNH phải biết khi tìm hiểu lệnh MTL
- Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc hủy (MOK): Phải khớp toàn bộ, nếu không lệnh bị hủy.
- Lệnh thị trường khớp và huỷ (MAK): Khớp một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại bị hủy.
Ví dụ minh họa lệnh thị trường trên sàn HNX:
- Lệnh MTL: Nhà đầu tư đặt mua 500 cổ phiếu A nhưng hiện tại trên thị trường chỉ có 300 cổ phiếu được chào bán. Kết quả mua được 300 cổ phiếu và lệnh mua 200 cổ phiếu còn lại sẽ chuyển thành lệnh LO tại giá vừa khớp và chờ khớp lệnh tiếp.
- Lệnh MOK: Nhà đầu tư đặt mua 500 cổ phiếu A nhưng hiện tại trên thị trường chỉ có 300 cổ phiếu kê bán (được chào bán), vì vậy lệnh bị hủy do không có đủ 500 cổ phiếu.
- Lệnh MAK: Nhà đầu tư đặt mua 500 cổ phiếu XYZ nhưng chỉ khớp được 300 cổ phiếu do chỉ có 300 cổ phiếu được chào bán ở mức giá này. Kết quả, mua được 300 cổ phiếu và lệnh mua 200 cổ phiếu còn lại sẽ bị hủy ngay lập tức.
1.3. Lệnh giao dịch tại giá mở cửa (ATO – At The Open)
Khái niệm: Lệnh ATO trong chứng khoán là lệnh mua hoặc bán chứng khoán ở giá mở cửa được hệ thống xác định.
Đặc điểm: Lệnh ATO được ưu tiên hơn lệnh giới hạn (LO) trong phiên mở cửa. Sau thời điểm xác định giá mở cửa, lệnh không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không được thực hiện hết sẽ tự động bị hủy.
Áp dụng tại: Sàn HNX, HSX.
Ví dụ về lệnh ATO chứng khoán:
Tình huống: Nhà đầu tư muốn mua 100 cổ phiếu ABC, mặc dù không chắc chắn giá mở cửa sẽ là bao nhiêu nhưng muốn đảm bảo có thể mua được cổ phiếu ngay khi thị trường mở cửa.
Thực hiện: Đặt lệnh ATO trước hoặc trong khoảng thời gian khớp lệnh định kỳ – “Tôi muốn mua 100 cổ phiếu ABC với bất kỳ giá mở cửa nào. Hãy ưu tiên khớp lệnh của tôi khi xác định giá mở cửa.”
- Khớp lệnh: Nếu có đủ lượng cổ phiếu bán trên thị trường, lệnh ATO sẽ được ưu tiên khớp ở mức giá mở cửa.
- Không khớp: Nếu không đủ lượng cổ phiếu bán để khớp lệnh, lệnh ATO sẽ tự động bị hủy.
1.4. Lệnh giao dịch tại giá đóng cửa (ATC – At The Close)
Khái niệm: Lệnh ATC là lệnh mua hoặc bán chứng khoán ở mức giá đóng cửa, chỉ được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (từ 14h30 đến 14h45).
Đặc điểm:
- Lệnh ATC trong chứng khoán được ưu tiên trước lệnh giới hạn (LO) trong quá trình khớp lệnh.
- Chỉ áp dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (phiên 3). Sau thời điểm xác định giá đóng cửa, lệnh không được thực hiện hoặc phần còn lại sẽ tự động bị hủy.
- Nếu chỉ có lệnh ATC trong sổ lệnh, không thể xác định được giá khớp lệnh đóng cửa.
Áp dụng tại: Sàn HSX, HNX.
Ví dụ: Nhà đầu tư đặt lệnh ATC mua 1.000 cổ phiếu A vào lúc 14h35. Nếu tại phiên khớp lệnh định kỳ giá đóng cửa được xác định là 50.000 đồng/cổ phiếu, lệnh sẽ được thực hiện ở mức giá này.
Tìm hiểu chi tiết về khung giờ giao dịch chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư hiệu quả hơn.
1.5. Lệnh giao dịch khớp lệnh sau giờ (PLO – Post Limit Order)
Khái niệm: Lệnh PLO trong chứng khoán là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa, được áp dụng trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Đặc điểm:
- Lệnh PLO chỉ được nhập vào hệ thống trong khung giờ từ 14h45 đến 15h (sau phiên ATC).
- Lệnh PLO sẽ được khớp ngay lập tức nếu trong hệ thống có sẵn lệnh đối ứng. Giá thực hiện là giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm đó.
- Kết thúc phiên giao dịch sau giờ, các lệnh PLO không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không thực hiện hết sẽ tự động bị hủy.
Hạn chế:
- Lệnh PLO không thể sửa hoặc hủy sau khi nhập vào hệ thống.
- Trong trường hợp trong phiên khớp lệnh liên tục và khớp lệnh định kỳ đóng cửa không xác định được giá thực hiện khớp lệnh, lệnh PLO sẽ không được nhập vào hệ thống.
Áp dụng tại: Sàn HNX.
1.6. Lệnh điều kiện (lệnh chờ)
Lệnh điều kiện là tính năng giúp nhà đầu tư thực hiện giao dịch linh hoạt, đặc biệt phù hợp với những người không có nhiều thời gian theo dõi bảng điện tử. Dưới đây là các loại lệnh điều kiện phổ biến:
- Lệnh điều kiện với thời gian (TCO – Time Conditional Order): Cho phép nhà đầu tư đặt lệnh trước phiên giao dịch từ một đến nhiều ngày với số lượng và mức giá xác định. Lệnh có hiệu lực tối đa 30 ngày. Lệnh chỉ kích hoạt khi đáp ứng điều kiện đã thiết lập. Nhà đầu tư có thể chọn hình thức khớp lệnh là phát sinh một lần (đồng nghĩa sau khi được kích hoạt thì dù khớp hết, khớp một phần hay không khớp thì cũng bị huỷ bỏ) hoặc phát sinh cho tới khi khớp hết khối lượng.
- Lệnh tranh mua hoặc tranh bán (PRO- Priority Order): Nhà đầu tư sẵn sàng mua hoặc bán ở các mức giá ATO, trần, ATC. Lệnh có hiệu lực cho phiên giao dịch kế tiếp và có thể đặt trước tối đa 30 ngày giao dịch.
- Lệnh dừng (ST – Stop loss): Lệnh này giúp nhà đầu tư cắt lỗ hoặc chốt lời khi giá đạt đến mức giá dừng được thiết lập trước. Lệnh có hiệu lực ngay sau khi đặt lệnh và kéo dài tối đa 30 ngày.
- Lệnh xu hướng (TS – trailing stop): Nhà đầu tư chọn mã chứng khoán, khối lượng giao dịch và cộng thêm khoảng dừng theo giá trị tuyệt đối (nghìn đồng) hoặc giá trị tương đối (%) hoặc thiết lập giá mua thấp nhất hay giá bán cao nhất. Lệnh được kích hoạt khi giá chứng khoán chạm đến khoảng dừng hoặc giá đã thiết lập trước đó. Lệnh có hiệu lực tối đa 30 ngày.
2. Lệnh giao dịch tại các sàn chứng khoán
Mỗi sàn giao dịch chứng khoán sẽ có các lệnh giao dịch và quy định khác nhau. Dưới đây là bảng tổng hợp các loại lệnh có tại mỗi sàn:
Sàn HSX | Sàn HNX | Sàn Upcom | |
Các loại lệnh | – Lệnh giới hạn (LO)
– Lệnh thị trường (MP) – Lệnh giao dịch tại mức giá mở cửa (ATO) – Lệnh giao dịch tại mức giá đóng cửa (ATC) |
– Phiên khớp lệnh liên tục: lệnh giới hạn (LO), lệnh thị trường (MAK, MOK, MTL)
– Phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa: lệnh giới hạn (LO), lệnh ATC |
– Lệnh giới hạn (LO) |
Nguyên tắc khớp lệnh | Ưu tiên về giá: Lệnh mua có giá cao hơn hoặc lệnh bán có giá thấp hơn được thực hiện trước.
Ưu tiên về thời gian: Lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được thực hiện trước. |
||
Quy định về hủy/sửa lệnh | 1. Không được phép sửa lệnh.
2. Không được hủy lệnh trong thời gian khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa và khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. 3. Giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch không được phép hủy bỏ. |
1. Phương thức khớp lệnh liên tục:
Việc sửa lệnh/hủy lệnh chỉ được thực hiện đối với các lệnh chưa được thực hiện hoặc phần còn lại lệnh gốc chưa được thực hiện (gồm lệnh LO và phần còn lại chưa khớp của lệnh MTL). Các lệnh đã nhập vào hệ thống của Sở GDCK Hà Nội thì được phép Sửa giá, Sửa khối lượng. 2. Phương thức khớp lệnh định kỳ đóng cửa: Không được phép sửa/ hủy lệnh trong thời gian khớp lệnh định kỳ đóng cửa. 3. Phương thức thỏa thuận được phép sửa lệnh/hủy lệnh nhưng phải đáp ứng các điều kiện: Xuất trình lệnh gốc cho Sở GDCK Hà Nội. Được bên đối tác chấp thuận lệnh sửa đó. Được Sở GDCK Hà Nội chấp thuận. Hoàn thành sửa lệnh chậm nhất 15 phút trước khi phiên giao dịch kết thúc. 4. Thứ tự ưu tiên sau khi Sửa lệnh: Lệnh LO không khớp hoặc phần còn lại của lệnh LO chưa khớp hết sẽ tự động chuyển sang phiên tiếp theo. Trường hợp sửa khối lượng tăng: thứ tự ưu tiên của lệnh sau khi sửa được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống giao dịch. Trường hợp sửa khối lượng giảm: thứ tự ưu tiên của lệnh không thay đổi. |
1. Phương thức khớp lệnh liên tục
Việc sửa lệnh, hủy lệnh giao dịch chỉ có hiệu lực đối với lệnh gốc chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh gốc chưa được thực hiện. Với lệnh sửa, nhà đầu tư chỉ được phép Sửa giá và Sửa khối lượng: a) Thứ tự ưu tiên của lệnh không đổi trong trường hợp sửa giảm khối lượng. b) Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống giao dịch đối với các trường hợp sửa tăng khối lượng và/hoặc sửa giá. 2. Phương thức thỏa thuận không được phép hủy lệnh. |
Nắm rõ nguyên tắc và quy định tại các sàn giao dịch chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn
3. Cách chọn loại lệnh phù hợp
Việc chọn loại lệnh phù hợp là yếu tố then chốt để đảm bảo chiến lược đầu tư đạt hiệu quả cao – giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố sau để đặt lệnh nhanh và chính xác:
- Xác định mục tiêu giao dịch: Nhà đầu tư cần xác định mục tiêu giao dịch của mình là mua cổ phiếu để nắm giữ dài hạn hay mua cổ phiếu để chốt lời trong ngắn hạn.
- Tự đánh giá khả năng chịu rủi ro: Nhà đầu tư cần xác định mức độ rủi ro mà mình có thể xử lý được để đảm bảo an toàn tài chính.
- Phân tích thị trường: Hiểu rõ tình hình thị trường bao gồm xu hướng giá, thanh khoản và mức độ biến động sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra chiến lược giao dịch hiệu quả (cắt lỗ và chốt lời đúng thời điểm).
4. Lưu ý khi sử dụng lệnh giao dịch chứng khoán
Khi đặt lệnh giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư cần lưu ý những điểm quan trọng sau:
- Kiểm tra thông tin trước khi đặt lệnh: Nhà đầu tư cần kiểm tra lại mã chứng khoán, khối lượng, giá đặt và loại lệnh trước khi đặt lệnh.
- Theo dõi lệnh thường xuyên: Sau khi đặt lệnh, nhà đầu tư nên kiểm tra thường xuyên tình trạng thực hiện lệnh. Nếu lệnh không khớp, nhà đầu tư có thể hủy lệnh và đặt lại lệnh với mức giá phù hợp hơn.
- Nắm rõ quy định của các sàn giao dịch chứng khoán: Nhà đầu tư cần hiểu rõ quy định của sàn giao dịch (nguyên tắc khớp lệnh) để tránh vi phạm quy định. Ví dụ, quy định về thời gian hiệu lực của lệnh, quy định về hủy bỏ lệnh…
5. Một số mẹo sử dụng lệnh giao dịch chứng khoán
Một số chiến lược dưới đây sẽ hỗ trợ nhà đầu tư đạt được kết quả tốt hơn khi giao dịch chứng khoán:
- Đặt lệnh giới hạn để kiểm soát giá: Lệnh giới hạn LO giúp nhà đầu tư mua cổ phiếu với mức giá tốt hơn so với lệnh thị trường.
- Áp dụng lệnh dừng lỗ để bảo toàn vốn: Lệnh dừng lỗ (Stop Loss) là công cụ hiệu quả giúp nhà đầu tư hạn chế tổn thất khi thị trường đi ngược xu hướng mong đợi.
- Đặt lệnh trailing stop để mua cổ phiếu với giá thấp: Lệnh mua theo giá giảm giúp nhà đầu tư mua cổ phiếu với mức giá thấp hơn giá hiện tại.
Hy vọng những thông tin đã giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các loại lệnh giao dịch chứng khoán cũng như quy định cụ thể tại các sàn giao dịch. Nếu nhà đầu tư còn nhiều thắc mắc và băn khoăn về các áp dụng các lệnh giao dịch chứng khoán sao cho hiệu quả, hãy liên hệ tới hotline của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) (+84 28) 6255 6586 (Chi nhánh TP.HCM) hoặc (+84 24) 3928 8222 (Chi nhánh Hà Nội) để được tư vấn chi tiết hơn!
Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) – Công ty được thành lập năm 2008, là một trong số những công ty có mặt sớm và hoạt động lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VFS hiện đang là công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất, trung bình đạt 39,8%/ năm (kể từ năm 2021), và liên tục được nhận giải thưởng từ các tổ chức quốc tế uy tín như: Thương hiệu truyền cảm hứng APEA 2023, Top 10 Asean Award 2024, Doanh nghiệp xuất sắc APEA 2024.
Sau hơn 16 năm hoạt động và phát triển, VFS đã tạo dựng được uy tín trên thị trường và nhận được sự tin tưởng của các khách hàng. Với phương châm “Giải pháp vừa vặn – Đầu tư thông minh”, VFS đồng hành cùng các nhà đầu tư tìm ra phương án đầu tư hiệu quả với từng doanh nghiệp, cá nhân. |