Hướng dẫn giao dịch theo sóng Elliott DỄ HIỂU NHẤT

calendar19/03/2025
Kiến thức kỹ thuật

Trong giao dịch tài chính, việc xác định xu hướng thị trường là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác. Một trong những phương pháp phân tích kỹ thuật phổ biến nhất là lý thuyết sóng Elliott, giúp trader nhận diện chu kỳ thị trường và dự đoán biến động giá.

Phân tích kỹ thuật bằng sóng Elliott không còn là “bí kíp” dành riêng cho chuyên gia. Bài viết này sẽ hướng dẫn giao dịch theo sóng Elliott, từ nguyên tắc cơ bản đến chiến lược hiệu quả.

1. Giới thiệu về sóng Elliott

Lý thuyết sóng Elliott là một phương pháp phân tích kỹ thuật do Ralph Nelson Elliott – một kế toán viên người Mỹ – phát triển vào những năm 1930. Dựa trên nhiều năm nghiên cứu dữ liệu thị trường chứng khoán bằng nhiều chỉ số khác nhau, Elliott phát hiện rằng giá cổ phiếu di chuyển theo những mô hình sóng có tính lặp lại, phản ánh tâm lý nhà đầu tư. Elliott cũng chính là người đầu tiên dự đoán chính xác đáy thị trường chứng khoán vào năm 1935, từ đó lý thuyết của ông được công nhận và ứng dụng rộng rãi.

Sóng Elliott trở thành một công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật vì nó giúp nhà đầu tư xác định xu hướng thị trường và dự báo các biến động giá. Sóng Elliott kết hợp với các phương pháp phân tích khác cung cấp một kịch bản biến động giá có thể xảy ra – nâng cao độ chính xác trong việc nhận diện cơ hội giao dịch.

Xem thêm: Cách sử dụng mây Ichimoku: Đơn giản – Dễ hiểu nhất

Mô hình sóng Elliott cung cấp một kịch bản biến động giá có thể xảy ra, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý hơn
Mô hình sóng Elliott cung cấp một kịch bản biến động giá có thể xảy ra, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý hơn

2. Cấu trúc và nguyên tắc của sóng Elliott

Cấu trúc sóng Elliott cơ bản: 8 sóng = 5 sóng đẩy + 3 sóng điều Chỉnh

2.1. Cấu trúc của sóng Elliott

Một chu kỳ hoàn chỉnh của sóng Elliott gồm 2 pha với 8 sóng chính:

  • Pha đầu tiên gồm 5 sóng động lực (sóng đẩy) di chuyển theo xu hướng chính của thị trường, được đánh số từ 1 đến 5. Trong đó các sóng 1, 3 và 5 là sóng xung lực còn sóng 2 và sóng 4 là sóng thoái lui.
  • Pha thứ hai gồm 3 sóng điều chỉnh di chuyển ngược xu hướng chính được đánh dấu bằng chữ cái A, B, C. Các sóng A và C là sóng xung lực còn sóng B là sóng thoái lui.
Pha đẩy 5 sóng (1-2-3-4-5) và pha điều chỉnh 3 sóng (A-B-C) 
Pha đẩy 5 sóng (1-2-3-4-5) và pha điều chỉnh 3 sóng (A-B-C)

Ví dụ: Trong một xu hướng đi lên của thị trường thì mô hình sóng đẩy là một pha tăng giá, còn mô hình sóng điều chỉnh là một pha giảm giá.

  • Các sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng còn sóng 2 và 4 là sóng giảm.
  • Các sóng A và C là sóng giảm còn sóng B là sóng tăng.

Và ngược lại, trong xu hướng giảm thì mô hình sóng đẩy lại là một pha giảm giá còn mô hình sóng điều chỉnh là một pha tăng giá.

  • Các sóng 1, 3 và 5 là sóng giảm còn các sóng 2 và 4 là sóng tăng.
  • Các sóng A và C là sóng tăng còn sóng B là sóng giảm.
Pha đẩy 5 sóng di chuyển theo xu hướng chính và pha điều chỉnh 3 sóng ngược xu hướng
Pha đẩy 5 sóng di chuyển theo xu hướng chính và pha điều chỉnh 3 sóng ngược xu hướng

Biến động của giá sẽ không thể rõ ràng như các ví dụ trên, thực chất mỗi một sóng chính được hình thành từ những sóng nhỏ hơn hay còn gọi là sóng nằm trong sóng.

Lưu ý trong mô hình sóng elliott lớn còn có các sóng nhỏ khác
Lưu ý trong mô hình sóng elliott lớn còn có các sóng nhỏ khác

2.2. Nguyên tắc quan trọng khi phân tích sóng Elliott

Quy tắc khi đếm sóng Elliott (3 Rules):

  • Sóng 2 không được vượt qua điểm bắt đầu của sóng 1. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo đáy sau luôn cao hơn đáy trước trong xu hướng tăng cũng như đỉnh sau luôn thấp hơn đỉnh trước trong xu hướng giảm.
  • Sóng 3 không thể là sóng ngắn nhất trong ba sóng đẩy (1, 3 và 5).
  • Sóng 4 không được di chuyển vào vùng giá của sóng 1, tức là sóng 4 không được vượt quá điểm cuối cùng của sóng 1.

Nếu một quy tắc bị vi phạm, nhà giao dịch phải xác định lại các điểm sóng.

Ngoài ra còn có một số hướng dẫn nữa khi đếm sóng Elliott (3 Guideline):

  • Khi sóng 3 là dài nhất thì sóng 5 sẽ có biên độ tương đương sóng 1.
  • Sóng 2 và sóng 4 có cấu tạo đối ngược nhau, nếu sóng 2 là hiệu chỉnh đơn giản thì sóng 4 sẽ là sóng hiệu chỉnh phức tạp và ngược lại.
  • Sóng điều chỉnh (A, B, C) thường dừng điều chỉnh ở đáy của sóng 4.

Mối quan hệ giữa Fibonacci và sóng Elliott

Ban đầu, lý thuyết sóng Elliott gặp hạn chế do khó xác định điểm vào lệnh và bị xem là một lý thuyết mang tính học thuật, thiếu tính ứng dụng. Tuy nhiên, đến năm 1940, khi Nelson Elliott kết hợp lý thuyết sóng với Fibonacci, vấn đề này đã được khắc phục, giúp phương pháp này được giới đầu tư đón nhận thậm chí có phần sùng bái.

Sóng Elliott đóng vai trò là khung sườn, còn Fibonacci là thước đo giúp xác định biên độ biến động giá và thời điểm kết thúc xu hướng. Các mức Fibonacci thường xuất hiện tại các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ quan trọng. Đáng chú ý, mối quan hệ Fibonacci trở nên đáng tin cậy hơn khi các sóng được kết nối thông qua một sóng trung gian thay vì chỉ là hai sóng liền kề.

Các sóng Elliott có mối quan hệ mật thiết theo tỷ lệ Fibonacci. Cụ thể:

  • Sóng 2 thường có biên độ dao động bằng 50%, 61,8%, 76,4% hoặc 85,4% sóng 1.
  • Sóng 3 thường có biên độ dao động bằng 161,8% sóng 1.
  • Sóng 4 thường có biên độ dao động bằng 14,6%, 23,6% hoặc 38,2% của sóng 3.
  • Sóng 5 có thể mở rộng 1,236 – 1,618% lần sóng 4 và cũng có thể bằng sóng 1 hoặc 61,8% tổng biên độ của sóng 1 và 3.
Các sóng Elliott liên hệ mật thiết với nhau theo tỷ lệ Fibonacci
Các sóng Elliott liên hệ mật thiết với nhau theo tỷ lệ Fibonacci

3. Các mô hình sóng Elliott cơ bản

Sóng Elliott có 2 mô hình cơ bản nhất đó là: mô hình sóng động lực và mô hình sóng điều chỉnh. Việc hiểu rõ các mô hình này giúp nhà đầu tư tận dụng xu hướng giá và đưa ra quyết định giao dịch hiệu quả.

3.1. Các mô hình sóng động lực (Impulse Waves)

Mô hình sóng động lực phản ánh xu hướng chính của thị trường, cơ bản gồm 5 sóng nhỏ:

  • 3 sóng đẩy (1, 3, 5) di chuyển theo xu hướng chính.
  • 2 sóng điều chỉnh ( 2, 4) di chuyển ngược xu hướng chính.

Dưới đây là những nguyên tắc cần tuân thủ để thỏa mãn điều kiện là một sóng động lực:

  • Sóng 1: Giá bắt đầu tăng/giảm từ một điểm đảo chiều.
  • Sóng 2: Điều chỉnh nhẹ nhưng không vượt quá điểm bắt đầu của sóng 1.
  • Sóng 3: Sóng mạnh nhất, thường dài nhất, tạo động lực chính.
  • Sóng 4: Điều chỉnh nhỏ, không trùng với vùng của sóng 1.
  • Sóng 5: Sóng cuối cùng của xu hướng chính, có thể yếu hơn sóng 3.

Sóng động lực có 3 dạng mô hình phổ biến sau:

3.1.1. Mô hình sóng Elliott mở rộng – Extension

Trong mô hình sóng Elliott, chỉ có một trong ba sóng 1, 3 hoặc 5 được mở rộng, thường là sóng 3. Sóng 1 và 5 vẫn giữ cấu trúc cơ bản và có xu hướng cân bằng nhau.

Mô hình sóng mở rộng có cấu trúc của một sóng động lực. Theo đó, sóng 3 được mở rộng thành 5 sóng nhỏ và khi nó mở rộng lần thứ 2 thì một trong 5 sóng nhỏ đó sẽ được mở rộng thành 5 sóng nhỏ hơn nữa:

  • Nếu sóng 3 mở rộng 1 lần → tổng 9 sóng, cấu trúc sóng 5-3-5-3-5-3-5-3-5.
  • Nếu sóng 3 mở rộng 2 lần → tổng 13 sóng, cấu trúc sóng 5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5..
  • Nếu sóng 3 mở rộng 3 lần → tổng có 17 sóng…

Mô hình sóng mở rộng có thể xuất hiện ở các sóng 1, 3, 5 của mô hình sóng động lực hoặc sóng A, C của mô hình sóng điều chỉnh.

Hiếm khi có hai sóng mở rộng trong một sóng đẩy, nhưng nếu xuất hiện, thường là sóng 3 và 5, tạo thành “sóng mở rộng kép”. Nếu sóng mở rộng xuất hiện trong một cấp độ sóng lớn hơn, phần mở rộng ở cấp thấp hơn cũng thường xuất hiện tại vị trí tương ứng.

Sóng được mở rộng trong mô hình sóng Elliott mở rộng thường là sóng 3
Sóng được mở rộng trong mô hình sóng Elliott mở rộng thường là sóng 3

3.1.2. Mô hình sóng tam giác chéo – Diagonal Triangle

Điểm đặc trưng của mô hình này là khi nối các đỉnh và đáy của các sóng để vẽ đường xu hướng thì sẽ tạo thành hình tam giác. Có 2 dạng tam giác khác nhau:

  • Leading Diagonal Triangle với cấu trúc sóng 5-3-5-3-5, thường xuất hiện ở sóng 1
  • Ending Diagonal Triangle với cấu trúc sóng 3-3-3-3-3, thường xuất hiện ở sóng 5 và đôi khi ở sóng 1.

Trong đó:

  • Sóng 1,3, 5 có dạng Zigzag.
  • Sóng 2 và 4 không theo mẫu cụ thể nào.
  • Sóng 3 không được là sóng ngắn nhất.

Lưu ý: Hình tam giác của mô hình sóng này thường có xu hướng hội tụ tại sóng 5, nhưng đôi khi có thể phân kỳ, phá vỡ nguyên tắc “sóng 4 không được đi vào vùng giá của sóng 1”.

Nối các đỉnh và đáy của các sóng để vẽ đường xu hướng thì sẽ tạo thành hình tam giác
Nối các đỉnh và đáy của các sóng để vẽ đường xu hướng thì sẽ tạo thành hình tam giác

3.1.3. Mô hình sóng thất bại – Mô hình cụt sóng 5 – Failed 5th

Mặc dù có cấu trúc của mô hình sóng động lực nhưng sóng 5 không vượt qua sóng 3 hoặc vượt qua không đáng kể. Các sóng còn lại vẫn tuân theo cấu trúc cơ bản của mô hình sóng động lực.

Trong mô hình sóng thất bại, sóng 5 thường không vượt qua sóng 3
Trong mô hình sóng thất bại, sóng 5 thường không vượt qua sóng 3

3.2. Các mô hình sóng điều chỉnh (Corrective Waves)

Sau khi hoàn thành mô hình sóng động lực, thị trường thường bước vào giai đoạn điều chỉnh. Thông thường, một sóng điều chỉnh sẽ gồm 3 sóng nhỏ hoặc nhiều hơn nhưng không được quả 5 sóng. Trong 3 sóng nhỏ sẽ có 2 sóng điều chỉnh di chuyển ngược với xu hướng chính và 1 sóng đẩy di chuyển theo xu hướng chính.

Sóng điều chỉnh này thông thường sẽ có cấu trúc nhỏ hơn so với sóng động lực cả về thời gian hình thành và độ lớn, tuy nhiên đôi khi nó cũng khá phức tạp.

  • Sóng A: Giá giảm (trong xu hướng tăng) hoặc tăng (trong xu hướng giảm).
  • Sóng B: Hồi phục một phần của sóng A.
  • Sóng C: Tiếp tục di chuyển theo hướng của sóng A, phá vỡ mức đáy hoặc đỉnh trước đó.

Elliott đề cập tới 21 biến thể của mô hình sóng điều chỉnh, tuy nhiên chúng có thể được đơn giản hóa và nhóm thành 3 mô hình chính sau đây.

3.2.1. Mô hình zigzag

Mô hình zigzag gồm các bước giá di chuyển ngược với xu hướng trước đó, trong đó sóng B ngắn hơn sóng A và C. Đôi khi, trong một giai đoạn điều chỉnh, có thể xuất hiện 2 – 3 mô hình zigzag liên tiếp, mỗi con sóng trong đó có thể được chia nhỏ thành các mô hình sóng đẩy.

Mô hình zigzag sóng B ngắn hơn sóng A và C
Mô hình zigzag sóng B ngắn hơn sóng A và C

3.2.2. Mô hình tam giác

Mô hình tam giác trong sóng điều chỉnh được tạo bởi hai đường kháng cự và hỗ trợ hội tụ hoặc phân kỳ. Mô hình này gồm 5 con sóng dao động trong phạm vi của 2 đường xu hướng Trendline và di chuyển trong xu hướng giá đi ngang Sideway. Mô hình này có thể ở dạng tam giác mở rộng, tam giác cân, tam giác tăng hoặc giảm dần,…

Mô hình tam giác được tạo bởi hai đường kháng cự và hỗ trợ hội tụ hoặc phân kỳ
Mô hình tam giác được tạo bởi hai đường kháng cự và hỗ trợ hội tụ hoặc phân kỳ

3.2.3. Mô hình phẳng

Mô hình phẳng đặc trưng bởi xu hướng giá đi ngang, trong đó sóng A và C cùng chiều, còn sóng B ngược chiều với hai sóng này. Độ dài các sóng tương đối bằng nhau, nhưng đôi khi sóng B có thể vượt qua đỉnh ban đầu của sóng A.

Mô hình phẳng có chiều dài các sóng tương đối bằng nhau
Mô hình phẳng có chiều dài các sóng tương đối bằng nhau

4. Cách áp dụng sóng Elliott vào giao dịch thực tế

Mô hình Elliott giúp nhận diện xu hướng, điểm vào lệnh và thoát lệnh hợp lý.

Bước 1: Xác định vị trí của thị trường trong chu kỳ sóng Elliott

  • Xác định xu hướng chính của thị trường.
  • Nhận diện chu kỳ sóng Elliott đang diễn ra (sóng động lực hay sóng điều chỉnh).

Bước 2: Xác định điểm vào lệnh

Khi thị trường có xu hướng chính là xu hướng tăng

  • Mua khi giá có dấu hiệu kết thúc sóng 2 hoặc 4 để đón đầu sóng 3 hoặc 5 tăng mạnh.
  • Bán khi giá có dấu hiệu kết thúc sóng 5 để tránh đảo chiều mạnh.

Khi thị trường có xu hướng chính là xu hướng giảm

  • Mua khi giá có dấu hiệu kết thúc sóng 1 hoặc 3 để đón đầu sóng 2 hoặc 4 hồi phục.
  • Mua khi giá có dấu hiệu hoàn thành sóng 5 để đón đầu sóng hồi mạnh.

Bước 3: Đặt stop-loss và take-profit hợp lý

Sóng Elliott cung cấp các mốc mục tiêu cụ thể cho các sóng tăng và sóng giảm. Dựa vào đó, trader có thể xác định và đặt stop-loss hay take-profit một cách hợp lý, dựa trên kỳ vọng về độ dài của các sóng trong xu hướng.

Bước 4: Kết hợp sóng Elliott với các chỉ báo kỹ thuật khác

  • Kết hợp sóng Elliott với Fibonacci Retracement.
  • Ứng dụng đường trung bình động (MA) để xác nhận xu hướng.
  • Dùng RSI và MACD để xác định quy luật và xung lực của từng sóng và dự báo điểm kết thúc sóng.
Mô hình sóng Elliott giúp cải thiện chiến lược giao dịch - tăng lợi nhuận, giảm rủi ro
Mô hình sóng Elliott giúp cải thiện chiến lược giao dịch – tăng lợi nhuận, giảm rủi ro

5. Những sai lầm phổ biến khi giao dịch theo sóng Elliott

Sóng Elliott là một phương pháp phân tích kỹ thuật hữu ích nhưng nếu không áp dụng đúng cách, nhà đầu tư có thể mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Dưới đây là ba lỗi phổ biến mà nhiều nhà đầu tư gặp phải khi giao dịch theo phương pháp này:

  • Nhầm lẫn giữa sóng động lực và sóng điều chỉnh: Xác định sai cấu trúc sóng có thể dẫn đến việc đánh giá nhầm xu hướng. Vì vậy, nhà đầu tư cần thực hành nhiều trên biểu đồ thực tế để rèn luyện kỹ năng nhận diện mô hình sóng.
  • Không kết hợp các công cụ hỗ trợ: Chỉ dựa vào sóng Elliott mà không sử dụng thêm Fibonacci, RSI hay MACD để xác nhận tín hiệu giao dịch có thể khiến phân tích thiếu chính xác và dễ đưa ra quyết định sai lầm.
  • Kỳ vọng quá cao, bỏ qua các yếu tố khác: Mặc dù sóng Elliott giúp nhận diện xu hướng nhưng không phải là công cụ dự đoán tuyệt đối. Nhà đầu tư cần kết hợp với các yếu tố khác như tin tức, thanh khoản và tâm lý giao dịch để có cái nhìn toàn diện hơn.
VFS là một trong những bên phí giao dịch công ty chứng khoán nào rẻ nhất
Nhà giao dịch cần kết hợp nhiều công cụ phân tích kỹ thuật cùng với mô hình sóng Elliott để xác nhận tín hiệu giao dịch hợp lý

Sóng Elliott là một phương pháp phân tích kỹ thuật giúp trader hiểu rõ hơn về cấu trúc thị trường và tìm kiếm cơ hội giao dịch tốt hơn. Tuy nhiên, trader cần kết hợp Elliott với các công cụ phân tích kỹ thuật khác và rèn luyện kỹ năng nhận diện mô hình sóng để áp dụng thành công. Hy vọng bài viết hướng dẫn giao dịch theo sóng elliott này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu và vận dụng hiệu quả lý thuyết vào chiến lược thực tế.

Hãy tiếp tục theo dõi website của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) để tìm hiểu thêm về các phương pháp giao dịch hiệu quả và cập nhật phân tích thị trường chuyên sâu. VFS liên tục cập nhật những bài viết chất lượng về kiến thức đầu tư, phân tích kỹ thuật và các báo cáo xu hướng thị trường mới nhất. Liên hệ ngay với VFS qua Hotline (+84 28) 6255 6586 (Chi nhánh TP.HCM) hoặc (+84 24) 3928 8222 (Chi nhánh Hà Nội) để nhận thông tin tư vấn đầu tư từ chuyên gia tài chính!

Thay vì tự mò mẫm như đi lạc trong sa mạc mà không có la bàn, giờ đây nhà đầu tư có thể đồng hành cùng các Chuyên gia VFS tại chương trình VFS Expert, để gia tăng kiến thức đầu tư tài chính cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn:

  • Đặc quyền chọn chuyên gia tư vấn 1:1 và bắt nhịp thị trường trong phiên giao dịch
  • Nhận các khuyến cáo/ khuyến nghị chuyên sâu về thị trường, gồm: Thông tin nhận định thị trường; Thông tin phân tích cơ bản cổ phiếu; Thông tin phân tích kỹ thuật cổ phiếu; Danh mục khuyến nghị; Cảnh báo thị trường qua ứng dụng hệ thống VFS Mobile
  • Giới hạn tối đa 20 khách hàng/chuyên gia đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình
  • Đặc biệt, phí giao dịch chỉ từ 0,2% cùng với danh mục Margin đa dạng

Đầu tư dễ dàng hơn bao giờ hết với sự đồng hành của những chuyên gia hàng đầu!

Chi tiết về chính sách chương trình VFS Expert xem tại: https://vfsinvest.vfs.com.vn/home/VFSExpert