Phát hành trái phiếu là gì? Điều kiện chào bán trái phiếu

calendar02/01/2025
Kiến thức đầu tư

Trái phiếu là một trong những công cụ tài chính quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp và tổ chức. Vậy còn phát hành trái phiếu là gì? Điều kiện nào để các tổ chức phát hành trái phiếu hợp pháp? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây để nắm rõ quy định pháp lý và bảo vệ quyền lợi khi tham gia thị trường trái phiếu cùng chuyên gia của công ty Cổ phần chứng khoán Nhất Việt

1. Phát hành trái phiếu là gì?

Trái phiếu là gì? 

Trái phiếu là một loại chứng khoán ghi nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu. Khi một cá nhân hoặc tổ chức mua trái phiếu, điều đó đồng nghĩa với việc họ cho tổ chức phát hành vay tiền trong một khoảng thời gian nhất định. Đổi lại, tổ chức phát hành cam kết trả lãi suất định kỳ và hoàn trả vốn gốc khi trái phiếu đáo hạn.

Phát hành trái phiếu là gì?

Phát hành trái phiếu là quá trình trong đó một tổ chức (chính phủ, doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính) chào bán trái phiếu riêng lẻ hoặc ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư.

Mục đích của việc phát hành trái phiếu

  • Huy động vốn dài hạn với chi phí thấp hơn so với vay ngân hàng: Đáp ứng nhu cầu tài chính cho các dự án lớn hoặc tái cơ cấu nợ.
  • Giảm áp lực từ vốn vay ngắn hạn: Trái phiếu thường có kỳ hạn dài, điều này giúp doanh nghiệp và chính phủ không phải chịu áp lực về thời gian trả nợ.
  • Đa dạng hóa nguồn vốn: Phát hành trái phiếu là một phương thức huy động vốn bên cạnh cách vay ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu. Các hình thức đầu tư phong phú hơn nên nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn hơn, qua đó tổ chức phát hành thu hút được nguồn vốn lớn hơn.

Ví dụ về việc phát hành trái phiếu

Công ty A phát hành 10.000 trái phiếu, mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9%/năm. Qua đợt phát hành này,

  • Công ty huy động được 10 tỷ đồng.
  • Công ty có trách nhiệm trả lãi 900 triệu đồng mỗi năm trong vòng 5 năm.
  • Sau 5 năm, công ty hoàn trả toàn bộ số tiền gốc (10 tỷ đồng) cho nhà đầu tư.
Phát hành trái phiếu là quá trình một tổ chức chào bán trái phiếu để huy động vốn
Phát hành trái phiếu là quá trình một tổ chức chào bán trái phiếu để huy động vốn

2. Điều kiện phát hành trái phiếu tại Việt Nam

Theo quy định pháp luật hiện hành (Luật chứng khoán 54/2019/QH14Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP), các tổ chức phát hành trái phiếu cần đáp ứng những điều kiện sau:

2.1. Điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng

Doanh nghiệp muốn chào bán trái phiếu ra công chúng phải đạt tất cả các điều kiện sau:

  • Vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng.
  • Hoạt động kinh doanh trong năm liền kề trước đó phải có lãi.
  • Không có khoản nợ quá hạn trên 1 năm.
  • Có phương án phát hành, sử dụng và trả nợ vốn rõ ràng.
  • Cam kết niêm yết trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.
  • Mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu trong đợt chào bán.

2.2. Điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền

Đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, các yêu cầu tập trung vào việc bảo đảm tính minh bạch và năng lực tài chính của doanh nghiệp. Các điều kiện chính bao gồm:

  • Doanh nghiệp thành lập hợp pháp tại Việt Nam.
  • Thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp.
  • Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
  • Phương án phát hành được phê duyệt.
  • Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
  • Đối tượng mua trái phiếu là là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ
Nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ

2.3. Điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền

Doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền phải đáp ứng tất cả các điều kiện được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành như:

  • Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.
  • Đối tượng mua là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược (tối đa 99 nhà đầu tư chiến lược).
  • Thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp.
  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính.
  • Phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận.
  • Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
  • Các đợt chào bán trái phiếu phải cách nhau ít nhất 6 tháng.

2.4. Điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ thành nhiều đợt

Khi muốn phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chí đã quy định cho từng loại trái phiếu, đồng thời đáp ứng thêm các yêu cầu về kế hoạch cụ thể cho từng đợt phát hành:

  • Các điều kiện chào bán trái phiếu nêu tại mục 2.2 (nếu chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền) hoặc điều kiện chào bán trái phiếu nêu tại mục 2.3 (nếu chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền).
  • Nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt theo quy định.
  • Phải có phương án phát hành trái phiếu dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thành nhiều đợt phải đáp ứng điều kiện đã quy định cho từng loại trái phiếu, đồng thời phải có kế hoạch cho từng đợt chào bán
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thành nhiều đợt phải đáp ứng điều kiện đã quy định cho từng loại trái phiếu, đồng thời phải có kế hoạch cho từng đợt chào bán

2.5. Điều kiện phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế

Khi phát hành trái phiếu ra nước ngoài, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cả pháp luật Việt Nam và quốc gia phát hành. Một số yêu cầu đáng chú ý gồm:

Điều kiện chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế:

  • Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
  • Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.
  • Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính.
  • Tuân thủ quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
  • Các điều kiện chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.

Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế:

  • Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.
  • Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền kèm theo chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
  • Các đợt chào bán trái phiếu phải cách nhau ít nhất 6 tháng.
  • Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày.
Khi chào bán trái phiếu ra nước ngoài, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện phát hành theo cả pháp luật Việt Nam và quốc gia phát hành
Khi chào bán trái phiếu ra nước ngoài, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện phát hành theo cả pháp luật Việt Nam và quốc gia phát hành

3. Quy trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Hiện nay, quy trình chào bán trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 11 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/9/2022. Quy trình chào bán có sự khác nhau tùy thuộc vào loại trái phiếu, cụ thể:

Quy trình chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền

  • Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu.
  • Bước 2: Doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán.
  • Bước 3: Doanh nghiệp tổ chức chào bán trái phiếu theo các phương thức.
  • Bước 4: Doanh nghiệp đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định.

Quy trình chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền

  • Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu.
  • Bước 2: Doanh nghiệp gửi hồ sơ tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
  • Bước 3: Doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán và tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định.
  • Bước 4: Báo cáo kết quả chào bán.
  • Bước 5: Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được báo cáo kết quả chào bán, doanh nghiệp phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ chào bán.
  • Bước 6: Doanh nghiệp đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định.
Doanh nghiệp muốn chào bán trái phiếu ra thị trường cần thực hiện từng bước phát hành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành
Doanh nghiệp muốn chào bán trái phiếu ra thị trường cần thực hiện từng bước phát hành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành

4. Ưu – Nhược điểm khi phát hành và đầu tư trái phiếu

Ưu điểm khi phát hành và đầu tư trái phiếu:

  • Đối với tổ chức phát hành: Huy động vốn dài hạn mà không phải chia sẻ quyền sở hữu như khi phát hành cổ phiếu.
  • Đối với nhà đầu tư: Lãi suất hấp dẫn, rủi ro thường thấp hơn cổ phiếu.

Nhược điểm khi phát hành và đầu tư trái phiếu:

  • Đối với tổ chức phát hành: Tổ chức phát hành phải trả lãi suất định kỳ, ngay cả khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi. Nếu không quản lý tốt, có thể dẫn đến rủi ro nợ quá hạn.
  • Đối với nhà đầu tư: Nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích và đánh giá rủi ro dễ bị rơi vào “bẫy” của tổ chức có hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm.
Phát hành trái phiếu là một công cụ huy động vốn hiệu quả và mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn
Phát hành trái phiếu là một công cụ huy động vốn hiệu quả và mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn

5. Lưu ý cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu

Nhà đầu tư cần phải lưu ý một số vấn đề quan trọng sau để đảm bảo quyết định đầu tư trái phiếu đạt hiệu quả cao – tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

  • Đánh giá mức độ uy tín của tổ chức phát hành: Một tổ chức uy tín giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và tăng tính an toàn cho khoản đầu tư.
  • Tìm hiểu mục đích phát hành trái phiếu: Hiểu rõ mục đích phát hành giúp đánh giá khả năng sử dụng vốn hiệu quả, từ đó đảm bảo khả năng hoàn trả vốn gốc và lãi suất.
  • Nhận diện và phân tích được rủi ro: Khả năng phân tích giúp nhà đầu tư chủ động kiểm soát và quản lý các biến động ảnh hưởng đến lợi nhuận và vốn đầu tư.
  • Tìm hiểu kỹ về lãi suất, kỳ hạn và phương thức thanh toán: Lãi suất và kỳ hạn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và tính thanh khoản của khoản đầu tư. Nhà đầu tư nên xem xét nhu cầu tài chính để lựa chọn phương án tối ưu.
  • Nắm rõ quy định pháp lý và quyền lợi nhà đầu tư: Hiểu rõ các quy định pháp lý giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.
Nhà đầu tư khi mua trái phiếu xem xét kỹ mức độ uy tín của tổ chức phát hành để tránh rủi ro
Nhà đầu tư khi mua trái phiếu xem xét kỹ mức độ uy tín của tổ chức phát hành để tránh rủi ro

Phát hành trái phiếu không chỉ là phương pháp huy động vốn hiệu quả cho tổ chức phát hành mà còn mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tham gia thị trường trái phiếu đòi hỏi nhà đầu tư cần phải có kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá được rủi ro và lựa chọn tổ chức phát hành uy tín.

Đặc biệt theo quy định của pháp luật chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân nên tìm hiểu thêm nhiều hình thức đầu tư hấp dẫn khác như chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu để đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Quý nhà đầu tư hãy tiếp tục theo dõi website Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) để cập nhật các thông tin tài chính mới nhất và khám phá thêm các cơ hội đầu tư tiềm năng.

Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) – Công ty được thành lập năm 2008, là một trong số những công ty có mặt sớm và hoạt động lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VFS hiện đang là công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất, trung bình đạt 39,8%/ năm (kể từ năm 2021), và liên tục được nhận giải thưởng từ các tổ chức quốc tế uy tín như: Thương hiệu truyền cảm hứng APEA 2023, Top 10 Asean Award 2024, Doanh nghiệp xuất sắc APEA 2024.

Sau hơn 16 năm hoạt động và phát triển, VFS đã tạo dựng được uy tín trên thị trường và nhận được sự tin tưởng của các khách hàng. Với phương châm “Giải pháp vừa vặn – Đầu tư thông minh”, VFS đồng hành cùng các nhà đầu tư tìm ra phương án đầu tư hiệu quả với từng doanh nghiệp, cá nhân.