Tin tài chính
Techwire Asia nhận định, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ có tương đầy hứa hẹn cùng với 2 quốc gia khác là Singapore và Indonesia.
Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nền chính trị ổn định, các chính sách phát triển kinh tế tiến bộ và mức tăng trưởng kinh tế số bền vững. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế có thể nắm bắt và khai thác những tiềm năng mà Việt Nam đem lại.
Cụ thể, vào năm 2015, Chính phủ đã công bố kế hoạch phát triển 10 năm trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, với tham vọng sẽ xây dựng và phát triển 10 doanh nghiệp "kỳ lân khởi nghiệp". Mục tiêu cho đến năm 2030, mỗi doanh nghiệp sẽ có có giá trị trên 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số sẽ đạt tối thiểu 10% trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet là 80%. Trang Techwire nhấn mạnh, kế hoạch này của Việt Nam đang đi đúng hướng.
Theo ước tính của Google, Temasek và Bain & Co, đến năm 2025, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt mức 52 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD.
Sự phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp. Bao gồm các dịch vụ thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thúc đẩy tiến trình Công nghiệp 4.0 (IR 4.0). Trong đó, dịch vụ tài chính số được đánh giá là lĩnh vực vô cùng hấp dẫn để phát triển dịch vụ cho vay và thanh toán
Với sự phức tạp của đại dịch Covid-19, xu hướng hiện nay của người tiêu dùng đó là sử dụng các thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu mua sắm của bản thân. Vì lẽ đó, đây là thời điểm cạnh tranh "khốc liệt" giữa những gã khổng lồ mua sắm trực tuyến, điển hình như Tiki, Shopee hay Lazada…
Quỳnh Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị