Phân tích tác động của gói kích cầu 300 tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc lên thị trường hàng hoá thế giới

calendar30/08/2022
Tin trong nước

Kinh tế vĩ mô – Đầu tư



<br />



Thông thường, mỗi khi Trung Quốc công bố gói kích cầu mới, thị trường hàng hoá thế giới sẽ có nhiều phản ứng mạnh.


Thông thường, mỗi khi Trung Quốc công bố gói kích cầu mới, thị trường hàng hoá thế giới sẽ có nhiều phản ứng mạnh.

Trong công bố mới nhất, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông báo về gói kích cầu quy mô hơn 300 tỷ nhân dân tệ tức tương đương khoảng 44 tỷ USD dành cho cơ sở hạ tầng và đầu tư của các ngân hàng. Trước đó vào cuối tháng 6/2022, Trung Quốc từng công bố về gói kích cầu khác cũng có quy mô 300 tỷ nhân dân tệ.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ có thể bán 200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu, chính quyền các địa phương cũng sẽ được cấp hạn mức 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt từ hạn mức chưa sử dụng trước đó.

Hai gói kích cầu trên được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 được áp dụng trên quy mô lớn và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản tiếp tục gây sức ép lên kinh tế Trung Quốc, nhiều ngân hàng đầu tư hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc xuống mức 3%.

Trên thị trường hàng hoá, giá quặng sắt và thép, hai loại hàng hoá được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ gói kích cầu, đã không có nhiều phản ứng sau thông báo trên, theo kết quả giao dịch trên sàn giao dịch kim loại Singapore.

Theo phân tích của ông Attila Widnell, giám đốc điều hành cơ quan tư vấn Navigate Commodities, thị trường hàng hoá không có nhiều phản ứng bởi các nhà đầu tư chưa thể hiểu tác dụng của việc cam kết nguồn tiền trong khi tiền này không thể giải ngân được trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại.

Cũng theo ông Widnell, dù rằng thông tin về gói kích cầu đáng mừng, tuy nhiên các thông tin mới đây cho thấy nhu cầu thép xây dựng tại Trung Quốc rất thấp. Không chỉ vậy, thông tin liên tiếp về các đợt bùng dịch COVID, xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa đang hãm phanh tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc khiến giới chuyên gia và đầu tư không tin vào hiệu quả của gói kích cầu trừ khi giới chức Trung Quốc chịu thay đổi chiến lược chống dịch.

Ông Widnell khẳng định thị trường hàng hoá và hạ tầng biết rằng trừ khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, gói kích cầu sẽ không thể phát huy được tác dụng và cũng không thể làm tăng được tiêu dùng, giờ đây tình hình còn đang tệ hơn bởi nhiều vấn đề như mất điện.

Còn theo đánh giá của chuyên gia Al Munro tại công ty môi giới Marex, các gói kích cầu có quy mô không đủ lớn để hồi sinh lại nền kinh tế, nhiều người hoài nghi về việc tiền sẽ được chi tiêu vào đâu trong bối cảnh hiện tại.

Theo Trung Mến

Nhịp sống kinh doanh