Phó Thủ tướng: Lần đầu trong lịch sử xây dựng, quy hoạch quốc gia gặp khó

calendar04/11/2022
Tin trong nước

Kinh tế vĩ mô – Đầu tư



<br />



Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thông tin về quy hoạch trước Quốc hội sáng 4/11.

Tại phiên trả lời chất vấn sáng nay 4/11 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu làm rõ thêm một số nội dung, tập trung vào vấn đề quy hoạch.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, công tác quy hoạch tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn khó khăn, bất cập và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng vì đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, theo quy định của Luật quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 38 quy hoạch ngành quốc gia; 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta xây dựng quy hoạch quốc gia. Do vậy, mặc dù luật đã có hiệu lực nhưng việc lập các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Để tháo gỡ khó khăn này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết 61/2022/QH15 trong đó cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Các quy hoạch trước được phê duyệt trước, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn và quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Các quy hoạch trước đây tương ứng được tiếp tục thực hiện cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.

Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 8 quy hoạch gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia; quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa; quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Tĩnh và đã lập xong 57 quy hoạch quốc gia…Còn lại 45 quy hoạch đang được xây dựng. Đây là khối lượng công việc rất lớn.

“Giai đoạn 2011-2020 chúng ta mới phê duyệt được 31 quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh. Để hoàn thành 102 quy hoạch còn lại là thách thức rất lớn. Quan điểm của Chính phủ là cố gắng đến mức cao nhất để sớm hoàn thành phê duyệt nhưng không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng quy hoạch… ”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, tăng trưởng từ 15-20%, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị, tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại hạn chế như: việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn, tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất giao thông, đất công cộng còn thấp…

"Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian…" , Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn chất vấn, tổ chức thẩm tra, thẩm định; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng; Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Phạm Duy/VTC News

VTC News