‘Cửa sáng’ cho năng lượng tái tạo nhìn từ dự thảo Quy hoạch Điện VIII

calendar14/11/2022
Tin trong nước

Kinh tế vĩ mô – Đầu tư



<br />



Tại tờ trình phê duyệt Quy hoạch điện VIII mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục giảm tỷ trọng điện than và tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tầm nhìn đến 2050 nhằm đáp ứng định hướng phát triển sạch, giảm phát thải khí nhà kính.


Ngày 13/10, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 6328 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Đây là tờ trình phê duyệt Quy hoạch Điện VIII lần thứ 5 của Bộ Công thương.

Đáng chú ý, trong tờ trình lần này, kết quả tính toán quy hoạch phát triển nguồn điện tiếp tục giảm tỷ trọng nhiệt điện than và tăng đáng kể năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Cụ thể, đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện khoảng 123.682 – 145.589 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, các nguồn đống phát, điện mặt trời tự sản tự tiêu), trong đó: Thuỷ điện 27.28.946 MW (tỷ lệ 19,9 – 22,1%); nhiệt điện than 30.127 MW (20,7 – 24,4%); nhiệt điện khí trong nước và LNG là 32.730 – 38.830 MW (26,5 – 26,7 MW); năng lượng tái tạo ngoài thuỷ điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) 26.671 – 39.686 MW (21,6 – 27,3%); nhập khẩu điện 5.000 MW (3,4 – 4%).

Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 375.361 – 501.558 MW, trong đó thuỷ điện chiếm tỷ lệ 7,2-9,5%; nhiệt điện than 0%; nhiệt điện sử dụng sinh khối/amoniac chiếm 5,1-6,8%; nhiệt điện khí trong nước 1,6-2,1%; nhiệt điện khí đốt kềm hydro 1,5-2,8%; nhiệt điện khí chạy bằng hydro 6,2-6,6%; năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 54,4-59%; nhập khẩu điện 2,2-2,9%.

Giảm điện than

Để đáp ứng định hướng phát triển sạch, tránh xu hướng tăng cao phát thải khí nhà kính (CO2), hướng tới trung hòa các bon trong dài hạn đến năm 2050, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã nhiều lần điều chỉnh giảm tỷ trọng nhiệt điện than. Nguồn điện than giảm từ mức quy hoạch phát triển lên tới trên 50.000 MW, thậm chí tới gần 58.500 MW (phương án phụ tải tăng cao) trong dự thảo đầu tiên (tháng 3/2021) xuống còn 30.127 MW, tương đương tỷ lệ 24,4% vào năm 2030. Theo tờ trình đến năm 2050 dự kiến không còn nhà máy nhiệt điện sử dụng than, chỉ còn 25.600 MW công nghệ này, nhưng đã được chuyển hẳn sang đốt nhiên liệu sinh khối/amoniac.

Theo rà soát của Bộ Công Thương, đến hết tháng 9/2022 nước ta đã có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành. 12 dự án nhiệt điện than/13.792 MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư/đang triển khai xây dựng. Trong đó 7 dự án/6.992 MW đang xây dựng; 5 dự án/6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn.

Trong 5 dự án khó khăn, có 2 dự án là Công Thanh và Quảng Trị chủ đầu tư đã thông báo không thể thực hiện tiếp nhiệt điện than, 3 dự án còn lại thì Sông Hậu II chưa vay được vốn, đã vi phạm Hợp đồng BOT, còn Nam Định I, Vĩnh Tân III chưa tìm được cổ đông thay thế và chưa vay được vốn. Bộ Công Thương đã yêu cầu chủ đầu tư 5 dự án nếu không dừng dự án thì phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn, chậm nhất 30/10/2022.

Tuy nhiên, xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn. Do đó, trong tính toán quy hoạch lần này, Bộ Công Thương không đưa 6.800 MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối. Nhưng để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng/chấm dứt các dự án.

Như vậy, với Tờ trình số 6328 (ngày 13/10), công suất điện than đến tháng 9/2022 và các dự án đang được xây dựng đúng theo tiến độ đã là 31.666 MW, vượt cả quy hoạch đến năm 2030. Điều đó có nghĩa là sẽ không có thêm quy hoạch dự án điện than mới từ nay tới 2030 và tầm nhìn 2050; loại trừ 5 dự án (6.800 MW điện than) nằm trong quy hoạch nhưng chưa thu xếp được vốn.

Cửa sáng cho năng lượng tái tạo

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất, tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo nâng lên đáng kể so với tờ trình hồi tháng 9/2022. Tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện) đã nâng tỷ trọng từ 24,3 – 25,7% lên 27,3% năm 2030 và tiếp tục nâng lên 59% năm 2050. Tỷ trọng điện gió và điện mặt trời tăng mạnh từ năm 2030-2050.

Cụ thể, quy mô điện mặt trời tập trung và điện gió tương ứng vào năm 2030 là 8.736 MW và 28.480 MW, năm 2050 lên tới 136.323 MW và 153.550 MW chứng tỏ sự chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ của Việt Nam.

Thành tựu phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam rất đáng được ghi nhận, nhờ cơ chế khuyến khích giá FIT từ các Quyết định số 11, số 13 và số 39 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, đến năm 2017 hầu như không có dự án điện mặt trời nào được xây dựng mới do không có cơ chế giá ưu đãi. Sau các Quyết định về cơ chế khuyến khích nêu trên, từ năm 2018 quy mô điện mặt trời chỉ từ 86 MW đã lên tới gần 16.500 MW vào cuối năm 2020 (gấp 191 lần sau 3 năm); quy mô điện gió từ lúc chỉ có 90 MW vào năm 2017 đã vọt lên tới trên 4.100 MW tính đến tháng 11/2021 (gấp hơn 45 lần). Hàng chục tỷ USD đầu tư đã được huy động, chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân.

Báo cáo rà soát các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương cho biết, với 6.565 MW điện mặt trời chưa đưa vào vận hành, có 5 dự án/phần dự án đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện với tổng công suất 452,62 MW; 11 dự án đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị với tổng công suất 426,6 MW; 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký hợp đồng mua sắm thiết bị/chưa có thông tin về hợp đồng mua sắm thiết bị với công suất 1.481,2 MW; 3 dự án/phần dự án chủ đầu tư không thực hiện, tổng công suất 60 MW. Tổng chi phí đã thực hiện ước khoảng 12.700 tỷ đồng.

Bộ Công Thương thấy rằng, các dự án trên đều đã triển khai thực hiện ở các giai đoạn khác nhau, phát sinh chi phí, đề xuất về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW (giảm so với con số đã báo cáo do một số dự án các chủ đầu tư không thực hiện tiếp).

Với điện gió trên bờ và ngoài khơi, hiện công suất điện gió đang vận hành là 4.126 MW. Quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và ngoài khơi. Tại tờ trình 5709/TTr-BCT ngày 23/9/2022, dự kiến năm 2030 công suất điện gió trên bờ lên đến 16.821 MW, điện gió ngoài khơi là 7.000 MW. Tại trờ trình này, điện gió trên bờ dự kiến tăng thêm 4.659 MW, trong đó có 1.500 MW tại miền Bắc để tận dụng tiềm năng gió tại các tỉnh miền núi phía bắc, nâng công suất điện gió trên bờ miền Bắc lên đến 5.016 MW.

Trong tờ trình mới của Bộ Công Thương cũng cho thấy rõ tiềm năng của thuỷ điện tích năng và bin lưu trữ với tỷ trọng trong quy hoạch tăng từ 1.500 – 2.700 MW năm 2030 tăng lên 27.450 – 42.550 năm 2050 chiếm lần lượt 7,3 và 8,5% trong tổng nguồn điện.

Trong tờ trình mới đây, điện sinh khối cũng được nâng công suất thêm so với dự thảo tháng 9/2022 lên mức 2.470 MW vào năm 2030 (tăng 690 MW).

Vướng mắc điện khí

Ngoài hơn 7.000 MW điện khí hiện hành, Bộ Công Thương cho biết, sau nhiều tháng vướng mắc về thủ tục vay vốn ODA Nhật Bản cho dự án điện khí Ô Môn 3, đến nay thủ tục đã được Chính phủ hỗ trợ khai thông. Như vậy, nếu triển khai gấp rút, bỏ bớt các thủ tục rườm rà, chậm nhất năm 2026 sẽ có điện từ Cụm điện khí Ô Môn.

Với Cụm Cá Voi Xanh, tuy phụ thuộc vào Nhà điều hành ExxonMobil (Mỹ), nhưng nếu Chính phủ quyết tâm thúc đẩy và khuyến khích ExxonMobil, giảm bớt các thủ tục, xúc tiến để giải quyết khâu thượng nguồn khí, trước năm 2030 chúng ta cũng có thêm nguồn điện từ khu vực này.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ phát triển 14.930 MW điện khí trong nước chiếm tỷ trọng 12,1 – 10,3%; đến năm 2050 giảm xuống 7.900 MW. Đây là nguồn bù đắp cho điện khí LNG nhập khẩu khi cần thiết.

Về nguồn điện LNG nhập khẩu, với 17.900 MW đã được phê duyệt từ Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Dự thảo Quy hoạch VIII chỉ bổ sung thêm 6.000 MW giai đoạn đến năm 2030 ở kịch bản phụ tải cao cho các dự án ở khu vực miền Bắc để tăng cường nguồn cấp tại đây. Sau đó bổ sung thêm 7.500 MW từ năm 2031 đến 2035 và giữ nguyên đến năm 2050. Dự thảo cũng định hướng từ sau năm 2030 sẽ đốt kèm nhiên liệu hydro, tăng dần tỷ lệ đốt kèm và giai đoạn đến năm 2050 sẽ chuyển hoàn toàn sang đốt hydro.

Có thể nói, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đến nay đã cố gắng hạn chế việc phát triển thêm nguồn điện sử dụng LNG nhập khẩu. Khi bớt điện than, loại nguồn điện chạy nền sạch hơn và linh hoạt để hấp thụ tốt nguồn điện mặt trời và điện gió chỉ có thể là điện khí.

Tuy nhiều chuyên gia ngành điện còn băn khoăn về tính khả thi của khối lượng lớn nguồn điện LNG đưa vào trong vòng 8 năm (ngoài 2 dự án điện LNG đã đang xây dựng và chuẩn bị khởi công, sẽ cần xây dựng mới hơn 21.000 MW từ nay đến năm 2030 – trung bình mỗi năm 2.650 MW). Bản thân Bộ Công Thương cũng chưa đưa ra được giải pháp lấy nguồn từ đâu để nhập khẩu LNG? Hiện năng lực cảng ở Việt Nam đã đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lượng lớn LNG? Giải đáp các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình triển khai trên thực tế? Được biết, hiện Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ các vấn đề chi tiết liên quan tới nhập khẩu LNG theo tờ trình đã đề xuất.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư