Giải mã thị trường trái phiếu: Cách hoạt động và cơ hội đầu tư

calendar03/01/2025
Kiến thức đầu tư

Thị trường trái phiếu thường được nhắc đến là một kênh đầu tư an toàn cho những nhà đầu tư mới. Còn với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc hiểu sâu về thị trường này sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vậy thị trường trái phiếu là gì? Bài viết này sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về thị trường trái phiếu để nhà đầu tư đánh giá được triển vọng của thị trường này trong tương lai.

1. Thị trường trái phiếu là gì?

Tìm hiểu sâu về thị trường trái phiếu giúp nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng của loại chứng khoán này và cơ hội đầu tư trong tương lai.

1.1. Khái niệm thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu (hay còn gọi là thị trường nợ) là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu giữa các nhà đầu tư, tổ chức phát hành và trung gian môi giới.

1.2. Vai trò của thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu không chỉ là nơi các tổ chức và nhà đầu tư giao dịch các công cụ nợ mà còn mang đến những giá trị thiết yếu cho các bên tham gia và nền kinh tế nói chung.

  • Đối với tổ chức phát hành: Trái phiếu là một hình thức huy động vốn thông qua vay nợ – cung cấp nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp và chính phủ, hạn chế được vấn đề thanh khoản tài chính trong ngắn hạn.
  • Đối với nhà đầu tư: Trái phiếu là một loại chứng khoán khá an toàn và ổn định – giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro.
  • Đối với nền kinh tế: Thị trường trái phiếu tạo sự ổn định cho nền kinh tế thông qua việc cung cấp nguồn vốn dài hạn.
Trái phiếu được phát hành bởi chính phủ hoặc doanh nghiệp
Trái phiếu được phát hành bởi chính phủ hoặc doanh nghiệp

1.3. Sản phẩm của thị trường trái phiếu – Trái phiếu

Trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành (doanh nghiệp, chính phủ, ngân hàng) đối với nhà đầu tư (người sở hữu trái phiếu hay trái chủ). Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư đang cho tổ chức phát hành vay tiền và sẽ nhận được lãi suất định kỳ cùng với số tiền gốc khi trái phiếu đáo hạn.

Đặc điểm chính của trái phiếu

  • Chủ sở hữu trái phiếu là chủ nợ (trái chủ), không phải cổ đông: Người nắm giữ trái phiếu không có quyền sở hữu hay tham gia quản lý tổ chức phát hành, chỉ được nhận lãi suất và hoàn gốc theo cam kết.
  • Lãi suất cố định hoặc thả nổi: Trái phiếu lãi suất cố định là loại trái phiếu đã xác định lợi tức (%) và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu. Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có mức lợi tức xác định trước cộng thêm một khoản lợi tức biến động theo lãi suất tham chiếu.
  • Thời hạn xác định: Trái phiếu thường có thời hạn từ 5 – 10 năm hoặc dài hơn. Khi đáo hạn, tổ chức phát hành sẽ hoàn trả vốn gốc cho nhà đầu tư.
  • Độ an toàn cao hơn cổ phiếu: Trái phiếu thường ít rủi ro hơn cổ phiếu vì người sở hữu trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông khi tổ chức phát hành gặp khó khăn tài chính. Tuy nhiên, mức lợi nhuận của trái phiếu thường thấp hơn cổ phiếu.
  • Không bị phụ thuộc vào kết quả kinh doanh: Lãi suất trái phiếu được cam kết trả cố định, không bị ảnh hưởng bởi tình hình lãi hay lỗ của tổ chức phát hành.
  • Có thể chuyển nhượng: Trái phiếu có thể được mua bán trên thị trường thứ cấp, giúp nhà đầu tư linh hoạt trong việc thu hồi vốn trước khi đáo hạn.

2. Các loại thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu được phân loại dựa trên đối tượng phát hành, mục đích và phạm vi giao dịch. Dưới đây là các loại thị trường trái phiếu phổ biến và vai trò của từng loại.

2.1. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm hai cấp:

Thị trường sơ cấp Thị trường thứ cấp
Đặc điểm Trái phiếu được phát hành lần đầu từ tổ chức phát hành đến nhà đầu tư Trái phiếu đã phát hành được giao dịch lại giữa các nhà đầu tư hoặc các nhà đầu tư có thể mua những trái phiếu này từ một nhà môi giới
Mục đích Huy động vốn cho doanh nghiệp Tăng tính thanh khoản và giá trị đầu tư

Mục đích phát hành chung: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng để huy động vốn đầu tư cho các chương trình, dự án hoặc nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Đôi khi, nó còn giúp tái tạo cơ cấu nợ của tổ chức phát hành.

Phương thức phát hành: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo 4 phương thức bao gồm đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành và bán trực tiếp cho nhà đầu tư đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng.

Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng
Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng

2.2. Thị trường trái phiếu chính phủ

Mục đích phát hành: 

  • Tài trợ cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
  • Bổ sung ngân sách nhà nước trong thời kỳ khó khăn.
  • Cơ cấu lại danh mục nợ công để tăng tính bền vững.
  • Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.

Đại diện phát hành: Bộ Tài chính thông qua Kho bạc Nhà nước.

Phương thức phát hành: Đấu thầu (chủ yếu), bảo lãnh hoặc bán lẻ.

Quy định phát hành: Đăng ký, lưu ký và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Kiểm soát tài chính: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

2.3. Thị trường trái phiếu chính phủ bảo lãnh

Đối tượng tham gia: Doanh nghiệp, ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính và tín dụng được bảo lãnh bởi chính phủ.

Mục đích phát hành: Huy động vốn cho các chương trình, tín dụng theo mục tiêu của nhà nước như

  • Chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu.
  • Chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phương thức phát hành: Đấu thầu, bảo lãnh, đại lý hoặc bán lẻ.

Trái phiếu chính phủ được phát hành dựa theo mục tiêu của Nhà nước 
Trái phiếu chính phủ được phát hành dựa theo mục tiêu của Nhà nước

2.4. Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương

Mục đích phát hành: 

  • Đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
  • Đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương.

Quy trình phát hành: Đăng ký, niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán trước khi công bố ra thị trường.

Phương thức phát hành: Đấu thầu, đại lý phát hành hoặc bảo lãnh.

2.5. Thị trường trái phiếu quốc tế

Phạm vi giao dịch: Mua bán trái phiếu vượt biên giới quốc gia.

Tổ chức phát hành: Chính phủ hoặc công ty của quốc gia.

Đối tượng mua: Các quỹ đầu tư, ngân hàng quy mô vừa và lớn, ngân hàng trung ương, hoặc nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh.

Vai trò:

  • Là nguồn lực tài chính trung và dài hạn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển hệ thống tài chính quốc tế.

3. Cách phân loại trái phiếu trên thị trường

Dưới đây là các cách phân loại trái phiếu phổ biến trên thị trường dựa vào đặc điểm của trái phiếu:

Phân loại trái phiếu theo thị trường giao dịch

  • Trái phiếu niêm yết: là các trái phiếu được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung như HOSE hoặc HNX. Các giao dịch tuân thủ quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán niêm yết.
  • Trái phiếu OTC: là các trái phiếu được giao dịch thông qua thỏa thuận trực tiếp giữa các nhà đầu tư – không qua các sàn giao dịch tập trung. Phương thức giao dịch linh hoạt, dựa trên nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”. OTC là gì? Tìm hiểu giao dịch chứng khoán ngoài sàn từ A-Z

Phân loại trái phiếu theo chủ thể phát hành 

  • Trái phiếu chính phủ: do Chính phủ phát hành nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ cá nhân và các tổ chức kinh tế, xã hội. Với vị thế và uy tín của Chính phủ, trái phiếu này được xem là loại chứng khoán an toàn và ít rủi ro nhất.
  • Trái phiếu doanh nghiệp: do các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn) phát hành để huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô hoặc đầu tư vào các dự án phát triển.

Phân loại trái phiếu theo lợi tức trái phiếu

  • Trái phiếu có lãi suất thả nổi: có lợi tức thay đổi theo từng kỳ, được tính dựa trên mức lãi suất tham chiếu.
  • Trái phiếu có lãi suất cố định: có lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) nhất định trên mệnh giá trái phiếu trong suốt kỳ hạn.
  • Trái phiếu có lãi suất bằng không: là trái phiếu không trả lãi định kỳ cho nhà đầu tư. Thay vào đó, nhà đầu tư mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả lại bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.

Phân loại trái phiếu theo tích chất trái phiếu

  • Trái phiếu chuyển đổi: được phát hành bởi các công ty cổ phần, cho phép người sở hữu chuyển đổi sang cổ phiếu của công ty đó theo các điều khoản đã quy định.
  • Trái phiếu kèm chứng quyền: được phát hành kèm quyền mua cổ phiếu của tổ chức phát hành với số lượng nhất định theo điều khoản được xác định tại thời điểm phát hành trái phiếu.
  • Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền: là trái phiếu không đi kèm với quyền chuyển đổi sang cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phiếu của tổ chức phát hành.

Phân loại trái phiếu theo tính chất đảm bảo thanh toán của trái phiếu

  • Trái phiếu không có tài sản đảm bảo: không được đảm bảo thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng.
  • Trái phiếu có tài sản đảm bảo: được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
Trái phiếu được phân loại theo đặc điểm thị trường, chủ thể phát hành, lợi tức và tính chất
Trái phiếu được phân loại theo đặc điểm thị trường, chủ thể phát hành, lợi tức và tính chất

4. Cách hoạt động của thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu là nơi các công ty và chính phủ bán ra nhiều công cụ nợ khác nhau. Trái phiếu được phát hành để huy động vốn nợ nhằm tài trợ cho hoạt động hoặc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Tổ chức phát hành trái phiếu cam kết hoàn khoản vốn gốc đã vay kèm theo lãi suất định kỳ cho nhà đầu tư.

Quy trình giao dịch:

  • Phát hành trái phiếu: Tổ chức phát hành công bố các thông tin liên quan đến trái phiếu và bắt đầu chào bán ra công chúng.
  • Giao dịch trên thị trường: Mua bán trên thị trường sơ cấp hoặc thứ cấp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu:

  • Lãi suất: Biến động lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị và sức hút của trái phiếu.
  • Tình hình kinh tế vĩ mô: Các yếu tố như lạm phát, tăng trưởng GDP và chính sách tiền tệ có thể làm thay đổi nhu cầu đối với trái phiếu.
  • Uy tín của tổ chức phát hành: Mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp hoặc chính phủ phát hành trái phiếu quyết định khả năng thu hút nhà đầu tư và mức lãi suất phải trả.

5. Ưu – Nhược điểm khi đầu tư vào thị trường trái phiếu

Ưu điểm Nhược điểm
  • Một số loại trái phiếu được miễn thuế thu nhập cá nhân, giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư.
  • Lãi suất ổn định: Lợi tức trái phiếu không phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của tổ chức phát hành. Nhà đầu tư luôn nhận được một khoản thu cố định theo kỳ hạn đã cam kết.
  • Rủi ro thấp: So với các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu được đánh giá có mức độ rủi ro thấp hơn.
  • Ưu tiên thanh khoản: Trong trường hợp tổ chức phát hành gặp khó khăn tài chính, trái chủ thường được ưu tiên thanh toán trước cổ đông.
  • Tính ổn định: Trái phiếu mang lại sự an toàn cao và thu nhập ổn định, phù hợp với các nhà đầu tư muốn bảo toàn vốn.
  • Rủi ro về lãi suất trái phiếu: Khi lãi suất thị trường tăng, nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán những trái phiếu lãi suất thấp. Điều này dẫn đến cung tăng lên, cầu giảm đi và mệnh giá trái phiếu cũng giảm theo.
  • Rủi ro về tái đầu tư: Nếu lãi suất giảm, tổ chức phát hành có thể mua lại trái phiếu trước hạn, khiến nhà đầu tư mất cơ hội hưởng lợi tức dài hạn.
  • Rủi ro về lạm phát: Lãi suất trái phiếu là cố định nên khi lạm phát xảy ra, giá trị khoản thu nhập từ trái phiếu sẽ giảm.
  • Rủi ro tín dụng, vỡ nợ: Trái phiếu doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh. Nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, nhà đầu tư có thể mất vốn.

⇒ Có nên đầu tư vào thị trường trái phiếu? Thị trường trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư:

  • Thích sự an toàn và ưu tiên khoản đầu tư tạo nguồn thu ổn định.
  • Muốn đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro.
  • Có chiến lược đầu tư dài hạn và không quá quan tâm về tính thanh khoản
Thị trường trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư thích sự an toàn và ưu tiên nguồn thu ổn định
Thị trường trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư thích sự an toàn và ưu tiên nguồn thu ổn định

6. So sánh thị trường trái phiếu với các loại thị trường tài chính khác

Dưới đây là một vài điểm so sánh cơ bản giữa thị trường trái phiếu với các loại thị trường tài chính khác:

Thị trường trái phiếu Thị trường cổ phiếu Thị trường tiền tệ Thị trường phái sinh
Sản phẩm giao dịch Trái phiếu (chính phủ, doanh nghiệp) Cổ phiếu (thường, ưu đãi) Các công cụ ngắn hạn (kỳ phiếu, tín phiếu, thương phiếu) Hợp đồng phái sinh (tương lai, quyền chọn, hoán đổi)
Mục đích chính Huy động vốn dài hạn, đầu tư an toàn Huy động vốn sở hữu, đầu tư kiếm lời Cung cấp thanh khoản ngắn hạn, điều chỉnh dòng tiền Quản lý rủi ro, đầu cơ và tạo đòn bẩy tài chính
Rủi ro Thấp hơn cổ phiếu, nhưng có rủi ro tín dụng, lãi suất Cao, phụ thuộc vào biến động giá cổ phiếu và thị trường Thấp, chủ yếu do biến động lãi suất Cao, phức tạp hơn do đòn bẩy và biến động giá trị tài sản cơ sở
Thời hạn giao dịch Trung và dài hạn (1 năm trở lên) Không giới hạn, tùy thuộc vào nhu cầu mua bán của nhà đầu tư Ngắn hạn (thường dưới 1 năm) Linh hoạt, phụ thuộc vào thời gian đáo hạn hợp đồng
Tính thanh khoản Trung bình, phụ thuộc vào loại trái phiếu Cao, cổ phiếu phổ thông thường dễ mua bán hơn Cao, vì sản phẩm thường có kỳ hạn ngắn Tùy thuộc vào loại hợp đồng và tài sản cơ sở
Lợi nhuận kỳ vọng Ổn định, thường là lãi suất cố định hoặc linh hoạt Cao hơn trái phiếu, nhưng biến động mạnh Thấp, lợi nhuận chủ yếu từ chênh lệch lãi suất Cao, nhưng rủi ro cũng lớn hơn
Chủ thể tham gia chính Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức Doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức Ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn Nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng
Vai trò trong nền kinh tế Huy động vốn dài hạn, hỗ trợ phát triển kinh tế Huy động vốn sở hữu, khuyến khích đầu tư và tăng trưởng Đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính Giảm thiểu rủi ro tài chính, tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực

7. Lời khuyên cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu giúp ổn định tài chính cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

  • Nghiên cứu kỹ tổ chức phát hành: Trước khi đầu tư, hãy đánh giá kỹ năng lực tài chính và uy tín của tổ chức phát hành. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc mất khả năng thanh toán.
  • Xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng: Nhà đầu tư cần xác định nhu cầu của bản thân – mong muốn khoản lợi nhuận ổn định hay đang tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời cao, để từ đó lựa chọn loại trái phiếu phù hợp với chiến lược tài chính cá nhân.
  • Hiểu rõ mối quan hệ giữa lãi suất và giá trị trái phiếu: Lãi suất thị trường có ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị trái phiếu. Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu thường giảm và ngược lại. Việc nắm vững nguyên tắc này sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán đúng thời điểm.
  • Lựa chọn trái phiếu phù hợp: Nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán nên ưu tiên chọn trái phiếu doanh nghiệp của các công ty lớn, uy tín và có nền tảng tài chính tốt. Đồng thời, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ vốn trong những giai đoạn biến động.
VFS là một trong những bên phí giao dịch công ty chứng khoán nào rẻ nhất
Nghiên cứu kỹ thị trường và tổ chức phát hành trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra các chiến lược đầu tư sáng suốt

Thị trường trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn vừa tiềm ẩn rủi ro. Để thành công, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, nghiên cứu kỹ lưỡng và có chiến lược rõ ràng. Hãy tiếp tục theo dõi trang tin tức của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) để cập nhật thông tin mới nhất về thị trường trái phiếu và khám phá thêm các cơ hội đầu tư tài chính hiệu quả!

Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) – Công ty được thành lập năm 2008, là một trong số những công ty có mặt sớm và hoạt động lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VFS hiện đang là công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất, trung bình đạt 39,8%/ năm (kể từ năm 2021), và liên tục được nhận giải thưởng từ các tổ chức quốc tế uy tín như: Thương hiệu truyền cảm hứng APEA 2023, Top 10 Asean Award 2024, Doanh nghiệp xuất sắc APEA 2024.

Sau hơn 16 năm hoạt động và phát triển, VFS đã tạo dựng được uy tín trên thị trường và nhận được sự tin tưởng của các khách hàng. Với phương châm “Giải pháp vừa vặn – Đầu tư thông minh”, VFS đồng hành cùng các nhà đầu tư tìm ra phương án đầu tư hiệu quả với từng doanh nghiệp, cá nhân.