Trái phiếu là một hình thức đầu tư chứng khoán được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, những nhà đầu tư mới thường không hiểu rõ về trái phiếu và tại sao trái phiếu được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, ổn định. Bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ nhiều khía cạnh xung quanh trái phiếu là gì và cách đầu tư hiệu quả trong chiến lược tài chính cá nhân.
1. Trái phiếu là gì?
1.1. Khái niệm và đặc điểm trái phiếu
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành với nhà đầu tư. Khi mua một trái phiếu, nhà đầu tư đang cho tổ chức phát hành vay một mức vốn (tương ứng với mệnh giá của trái phiếu) và nhận lãi định kỳ theo tỷ lệ lãi suất nhất định.
Tổ chức phát hành trái phiếu có thể là chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính.
Đặc điểm của trái phiếu:
- Khoản vay có kỳ hạn xác định: Thời hạn vay được xác định rõ ràng ngay từ khi phát hành.
- Lãi trả định kỳ và không phụ thuộc vào hiệu suất kinh doanh: Tổ chức phát hành có trách nhiệm trả lãi đều đặn bất kể tình hình kinh doanh thuận lợi hay khó khăn.
- Thanh toán gốc và lãi khi đáo hạn: Đến ngày đáo hạn, tổ chức phát hành phải hoàn trả toàn bộ vốn gốc và lãi cho nhà đầu tư. Nếu tổ chức phát hành phá sản, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) được ưu tiên thanh toán trước cổ đông.
1.2. Một số khái niệm liên quan đến trái phiếu
Để hiểu rõ hơn về trái phiếu, nhà đầu tư cần nắm vững một số khái niệm sau:
- Trái chủ: Là người sở hữu trái phiếu (người cho tổ chức phát hành trái phiếu vay tiền). Trái chủ có vai trò như một chủ nợ của tổ chức phát hành trái phiếu nhưng không có quyền sở hữu hay tham gia quản lý đối với tổ chức đó.
- Mệnh giá trái phiếu: Là giá trị được ghi trên trái phiếu thể hiện số tiền vốn trái chủ cho tổ chức phát hành vay. Ở Việt Nam, mệnh giá trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng.
- Giá phát hành: Là giá bán của trái phiếu tại thời điểm phát hành. Thông thường giá phát hành được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) của mệnh giá.
- Giá trái phiếu: Là mức giá giao dịch (mua/bán) trái phiếu trên thị trường vào một thời điểm xác định. Giá trái phiếu có thể thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất thị trường, tình hình tài chính của tổ chức phát hành và cung cầu trên thị trường.
- Kỳ hạn trái phiếu: Là khoảng thời gian tính từ lúc phát hành trái phiếu đến khi đáo hạn. Ngày đáo hạn là ngày mà tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu, tức là phải hoàn trả vốn gốc cho trái chủ.
- Lãi suất trái phiếu: Là tỷ lệ phần trăm mà tổ chức phát hành trả cho trái chủ theo mệnh giá trái phiếu. Lãi suất này có thể cố định (không đổi trong suốt kỳ hạn) hoặc thả nổi (thay đổi theo lãi suất thị trường hoặc các chỉ số tham chiếu).
2. 5 cách phân loại trái phiếu trên thị trường Việt Nam
(1) Phân loại trái phiếu theo thị trường giao dịch
- Trái phiếu niêm yết: là loại trái phiếu được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung như HOSE hoặc HNX. Các giao dịch trái phiếu sẽ tuân theo quy định nghiêm ngặt của Sở Giao dịch Chứng khoán.
- Trái phiếu OTC: là loại trái phiếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung không qua sàn giao dịch (OTC – Over The Counter) – nơi các giao dịch diễn ra trực tiếp giữa các bên thông qua thương lượng theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”.
(2) Phân loại trái phiếu theo chủ thể phát hành
- Trái phiếu chính phủ: là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành để huy động vốn phục vụ ngân sách nhà nước hoặc các chương trình, dự án đầu tư công cụ thể do nhà nước quản lý.
- Trái phiếu chính quyền địa phương: là loại trái phiếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương phát hành nhằm thu hút vốn cho các công trình hoặc dự án đầu tư trên địa bàn địa phương.
- Trái phiếu doanh nghiệp: là loại trái phiếu được phát hành bởi công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp xanh được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
(3) Phân loại trái phiếu theo lợi tức
- Trái phiếu có lãi suất thả nổi: (lãi suất biến đổi) lợi tức thay đổi theo từng thời kỳ. Khoản lợi tức này được tính theo mức lãi suất biến đổi theo lãi suất tham chiếu.
- Trái phiếu có lãi suất cố định: lợi tức được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của mệnh giá trái phiếu. Tỷ lệ phần trăm này được ấn định tại thời điểm phát hành và không thay đổi trong suốt kỳ hạn trái phiếu.
- Trái phiếu có lãi suất bằng không: là trái phiếu không trả lãi định kỳ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi giữ đến thời gian đáo hạn.
(4) Phân loại trái phiếu theo tính chất
- Trái phiếu chuyển đổi: là trái phiếu do các công ty cổ phần phát hành và trái chủ được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu của công ty đó.
- Trái phiếu kèm chứng quyền: là trái phiếu được phát hành kèm quyền được mua một số lượng cổ phiếu nhất định của tổ chức phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền: là trái phiếu không đi kèm với quyền chuyển đổi thành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành.
(5) Phân loại trái phiếu theo tính chất đảm bảo thanh toán
- Trái phiếu không có tài sản đảm bảo: là loại trái phiếu không được đảm bảo thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng.
- Trái phiếu có tài sản đảm bảo: là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
3. Lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu
Lợi ích | Rủi ro |
|
|
4. So sánh trái phiếu và cổ phiếu
Cả trái phiếu và cổ phiếu đều có một số đặc điểm chung như sau:
- Xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp: Bằng chứng thể hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành.
- Tính chất chứng khoán: Đều được coi là chứng khoán theo quy định của pháp luật.
- Hình thức phát hành: Chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
- Khả năng giao dịch: Trao đổi mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp hoặc thừa kế.
- Nguồn thu nhập: Nhà đầu tư đều có thể nhận lãi từ khoản đầu tư (cổ tức đối với cổ phiếu và trái tức đối với trái phiếu).
- Công cụ huy động vốn: Phương tiện giúp tổ chức phát hành thu hút vốn từ nhà đầu tư.
- Phân loại theo hình thức sở hữu: Đều có hai loại chính là ghi danh và vô danh.
Điểm khác nhau giữa trái phiếu và cổ phiếu được thể hiện trong bảng dưới đây:
Trái phiếu | Cổ phiếu | |
Bản chất | Chứng khoán nợ. | Chứng khoán vốn. |
Tư cách nhà đầu tư | Người mua trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành, không có quyền sở hữu hay can thiệp vào hoạt động kinh doanh. | Người mua trở thành cổ đông, đồng sở hữu tổ chức phát hành, có quyền tham gia quản lý và biểu quyết (đối với cổ phiếu phổ thông). |
Lợi nhuận | Lãi suất trả định kỳ. Lãi suất cố định, nhận định kỳ theo thỏa thuận (dù doanh nghiệp lãi hay lỗ). | Cổ tức không cố định, phụ thuộc vào lợi nhuận hay kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành. |
Rủi ro | Rủi ro thấp hơn, được ưu tiên thanh toán khi tổ chức phá sản. | Rủi ro cao hơn, chỉ nhận phần còn lại sau khi thanh toán cho trái chủ và các chủ nợ khác. |
Thời hạn đầu tư | Có thời hạn cụ thể, hoàn vốn khi đến kỳ đáo hạn. | Không có thời hạn, có thể nắm giữ hoặc bán bất kỳ lúc nào. |
5. Kinh nghiệm đầu tư trái phiếu
Bộ Tài chính đưa ra 5 khuyến nghị dành cho nhà đầu tư cá nhân khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp như sau:
- Nguyên tắc phát hành và rủi ro: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán. Do đó, nhà đầu tư cần lường trước rủi ro nếu doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi khi đến hạn.
- Đối tượng đầu tư: Chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu riêng lẻ phải thông qua các quỹ đầu tư chuyên biệt được quản lý bởi các nhà đầu tư tổ chức.
- Vai trò của tổ chức trung gian: Các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu và hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành. Họ không có trách nhiệm đảm bảo an toàn hoặc khả năng thanh toán của trái phiếu.
- Phân biệt bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán: Bảo lãnh phát hành chỉ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phân phối trái phiếu, không có nghĩa vụ thanh toán với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
- Tìm hiểu về tài sản đảm bảo: Khi thị trường biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể giảm sút và không đủ để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ thông tin về giá trị và chất lượng của tài sản đảm bảo.
Cách lựa chọn trái phiếu phù hợp – Để đầu tư trái phiếu hiệu quả, nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố sau:
- Xác định mục tiêu đầu tư và khả năng tài chính cá nhân: Xác định rõ mục tiêu đầu tư ngắn hạn hay dài hạn và đánh giá khả năng tài chính để lựa chọn loại trái phiếu phù hợp.
- Đánh giá uy tín tổ chức phát hành: Ưu tiên doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, thông tin minh bạch, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy, lịch sử hoạt động kinh doanh ổn định và có tiềm năng phát triển bền vững.
- Phân tích đặc điểm trái phiếu: Xem xét kỳ hạn, lãi suất, mức độ rủi ro và tính thanh khoản để đảm bảo phù hợp với nhu cầu đầu tư.
Đầu tư trái phiếu là một lựa chọn hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định đầu tư là vô cùng quan trọng. Nhà đầu tư nên trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, đánh giá khả năng tài chính cá nhân và lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Nếu cần thêm thông tin về thị trường chứng khoán, nhà đầu tư hãy tìm đọc các bài viết khác trên website Chứng khoán Nhất Việt (VFS). Với hơn 16 năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính, VFS còn có thể cung cấp dịch vụ “may đo tài chính” – một giải pháp đầu tư vừa vặn và thông minh, phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng. Hãy liên hệ tới Hotline (+84 28) 6255 6586 (Chi nhánh TP.HCM) hoặc (+84 24) 3928 8222 (Chi nhánh Hà Nội) để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc!
|